Amazon và Microsoft đã bắt tay nhau để chống lại AI của Google, Apple “mon men” xin tham gia
Khi ngay cả 2 kỳ phùng địch thủ trên đám mây cũng có thể gạt hận thù để chống lại thế mạnh AI của gã khổng lồ tìm kiếm, Apple chẳng có lý do gì để không tham gia vào liên minh này: Amazon và Microsoft đã không còn một chút tham vọng smartphone nào cả.
Nhắc đến Microsoft và Amazon là nhắc đến một cuộc đua song mã trên lĩnh vực đám mây, nơi 2 gã lớn này đè bẹp tất cả mọi đối thủ cạnh tranh – bao gồm cả những gã khổng lồ khác như IBM, Oracle và Google. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi vừa qua, mối quan hệ giữa Amazon và Microsoft đã đột ngột trở nên nồng ấm: cuối tháng 8, Microsoft và Amazon cho phép 2 trợ lý ảo Alexa và Cortana bắt tay với nhau. Cách đây chỉ vài ngày, Microsoft và Amazon lại bắt tay ra mắt công cụ phát triển Gluon dành cho AI.
Đây không phải là lần đầu tiên 2 đối thủ lớn nhất của đám mây bắt tay nhau trong lĩnh vực AI. Từ tháng 5 năm ngoái, Bing đã được chọn làm bộ máy tìm kiếm đứng đằng sau Alexa.
Thật trùng hợp, AI (và các lĩnh vực con như máy học, neural network) cũng là lĩnh vực đang được Apple lựa chọn làm thế mạnh cạnh tranh cho iPhone. Công cụ nhận diện khuôn mặt FaceID gây xôn xao dư luận khi ra mắt trên iPhone X được xây dựng trên mô hình mạng neuron thay vì chỉ sử dụng các thuật toán nhận diện pattern truyền thống như Touch ID hay Iris Scanner của Galaxy S8/Note8. Trợ lý ảo Siri mới đây đã được chuyển giao cho giám đốc phần mềm Craig Federighi và cũng đã liên tục được mở rộng các kênh giao tiếp với người dùng (Apple Watch, AirPods, HomePod).
Quan trọng nhất, CoreML ra mắt vào tháng 6 vừa qua là cánh cổng cho phép các nhà phát triển iOS có thể dễ dàng tích hợp các tính năng máy học vào ứng dụng của riêng họ. Cũng trong năm 2017, Apple đã quyết định loại bỏ đối tác phát triển GPU để tự tạo ra chip đồ họa cho iPhone 8 và iPhone X. Chip A11 Bionic cũng được nâng cấp mạnh mẽ và đột ngột tăng số nhân khởi động tùy ý lên 6. Tất cả đều chỉ tới một tương lai nơi AI trở thành một phần quan trọng của trải nghiệm Apple.
AI là lĩnh vực được 2 kẻ làm chủ thị trường smartphone tập trung cạnh tranh trong năm nay.
Cũng rất trùng hợp nhưng không mấy bất ngờ, AI được đối thủ đáng gờm nhất của Apple chọn làm thế mạnh cạnh tranh trọng tâm. Trên 2 mẫu Pixel 2 và Pixel 2 XL mới ra mắt vào đầu tháng, Google không hề mang tới bất cứ một đột phá phần cứng nào so với các sản phẩm Android đầu bảng đã có sẵn trên thị trường: vẫn là màn 2:1 đã có trên G6, vẫn là chip Snapdragon 835 của Qualcomm, vẫn là dung lượng RAM “tiêu chuẩn” 4GB, vẫn là quyết định khai tử cổng tai nghe đã gây tranh cãi trong 1 năm trời.
Thậm chí, Google còn mạnh mẽ lựa chọn camera đơn thay vì chạy theo camera kép.
Ấy vậy mà điểm DxO của Google Pixel 2 vẫn lên tới 98, vượt mặt cả iPhone 8 Plus lẫn Galaxy Note8. Giải pháp của Google đưa ra là các thuật toán xử lý hình ảnh thay vì trông chờ vào phần cứng. Chưa dừng lại ở đây, Pixel 2 cũng có khả năng tự nghe nhạc và tự phát hiện bài hát đang được chơi xung quanh. Để cạnh tranh với AirPods, Google mang khả năng dịch tự động không thua kém gì bảo bối Đô-rê-mon. Một phụ kiện khác mang tên Google Lens cho phép tự động chọn ra các khoảnh khắc thú vị từ hàng chục giờ video quay tự động.
AI cũng là lĩnh vực do Google thống trị từ 2012.
Để làm nên các “phép màu” này, Google sử dụng các thuật toán máy học, cũng là thế mạnh áp đảo của gã khổng lồ tìm kiếmđối với tất cả các đối thủ trong hàng năm trời vừa qua. Thực chất, phòng dự án Google Brains cùng công trình nghiên cứu mang tính cách mạng của Andrew Ng và Lê Việt Quốc năm 2012 đã mở màn cho cơn sốt AI suốt 5 năm qua.
Và đây cũng là lĩnh vực Microsoft cùng Amazon phải cạnh tranh với Google. Microsoft và Amazon mới chủ yếu kiểm soát hạ tầng xây dựng trên đám mây và do đó mới chủ yếu thu hút đối tượng doanh nghiệp đang muốn từ bỏ những trung tâm dữ liệu tự xây dựng, vốn là những chiếc máy “đốt” tiền và “đốt” công sức quản lý. Nhưng chỉ có hạ tầng thôi thì chưa đủ: cả Microsoft và Amazon đều phải xây dựng những tính năng AI nằm trên tầng máy ảo, trên tầng chip/RAM ảo để khách hàng có thể mở rộng một cách dễ dàng khi cần.
Hạ tầng của Microsoft và Amazon có thể giúp sức cho Siri.
Apple là một trong những khách hàng như vậy. Azure và AWS được cho là đám mây nằm dưới nền của “lớp vỏ” iCloud. Bing từng được sử dụng cho Siri trước khi bị Google lật đổ. Khi Amazon và Microsoft hợp tác để đẩy mạnh cạnh tranh AI với Google, 2 gã lớn này có thể tiếp tục đứng dưới nền và bổ sung sức mạnh cho Siri, cho iOS, cho macOS trong cuộc chiến chống lại Google Assistant và Android.
Điểm tuyệt vời nhất của một mô hình hợp tác như vậy? Cả Apple, Amazon và Microsoft đều cạnh tranh với Google và cạnh tranh lẫn nhau, nhưng Apple, Amazon và Microsoft lại không kiên quyết giành giật miếng ăn chính của nhau. Google có cạnh tranh smartphone với Apple, Amazon và Microsoft thì không. Amazon và Microsoft có cạnh tranh đám mây và cạnh tranh AI với Google, còn Apple cuối cùng vẫn là kẻ mang bán trải nghiệm cuối trên phần cứng tự kiểm soát.
Trong cuộc chiến smartphone do AI làm chủ, Apple có thể nhờ tới sự trợ giúp của 2 đối thủ không còn có smartphone.
Trong kịch bản một mối quan hệ tay ba giữa Apple, Amazon và Microsoft xuất hiện, kẻ hưởng lợi lớn nhất sẽ là Apple khi thế mạnh phần cứng của hãng này được kết hợp với lợi thế phần mềm của Amazon và Microsoft. Song, Microsoft cũng sẽ hưởng lợi khi có thêm một đối tác phần cứng quan trọng để phổ cập các giải pháp doanh nghiệp, Amazon có thể tận dụng quan hệ để quảng bá trải nghiệm mua hàng ngay trên iOS.
Rõ ràng, có rất nhiều cách để cả 3 ông lớn cùng hưởng lợi khi bắt tay nhau trên lĩnh vực AI. Kẻ chịu thiệt lớn nhất sẽ là Google. Cũng đúng thôi, bởi khi bành trướng, Google đã vô tình đụng đến “miếng ăn” của quá nhiều đối thủ khổng lồ.