Cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh
Điểm hòa vốn là gì?
Điểm hòa vốn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Phân tích điểm hòa vốn là một công cụ hữu ích đối với các lãnh đạo doanh nghiệp để đưa ra quyết định trong hoạt động kinh doanh như: Lựa chọn sản xuất sản phẩm, xác định mức sản lượng cần tiêu thụ, lựa chọn kết cấu giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi nhằm đạt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho Doanh nghiệp.
Điểm hòa vốn là gì?
Điểm hòa vốn (BEP) – Break Even Point là điểm dùng để chỉ mức sản xuất hoặc bán hàng mà tại đó tổng doanh thu bằng tổng chi phí doanh nghiệp bỏ ra.
Tùy trường hợp, tại điểm hòa vốn, doanh nghiệp không thu được bất cứ lợi nhuận nào, nhưng Doanh nghiệp cũng không bị thua lỗ.
Phân loại điểm hòa vốn
Tương tự như các tiêu chí khác dành cho doanh nghiệp, điểm hòa được phân ra làm hai loại: điểm hòa vốn kinh tế và điểm hòa vốn tài chính. Ngoài ra, điểm hòa vốn cũng liên quan đến một số những thuật ngữ khác mà bạn cần xác định như: chi phí cố định, chi phí biến đổi,…
Điểm hòa vốn kinh tế (Điểm hòa vốn trước lãi vay)
Điểm hòa vốn kinh tế: là điểm mà tại đó doanh thu của doanh nghiệp là tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Trong chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm tổng chi phí biến đổi và chi phí cố định kinh doanh (chưa tính đến lãi vay vốn mà doanh nghiệp cần trả).
Điểm hòa vốn tài chính (Điểm hòa vốn sau lãi vay)
Điểm hòa vốn tài chính: Là điểm tại đó doanh thu bán hàng bằng tổng chi phí đã bao gồm lãi vay phải trả trong kỳ. Tại điểm hoà vốn tài chính lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp bằng không.
Tại cả 2 điểm hòa vốn, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đều bằng 0.
Công thức tính điểm hòa vốn
Điểm hòa vốn (BEP) | = | Chi phí cố định |
Giá bán sản phẩm – Chi phí biến đổi |
Trong đó
- BEP: Sản lượng hòa vốn: là mức sản lượng cần tiêu thụ để đạt hòa vốn
+ Sản lượng hòa vốn tài chính là là mức sản xuất mà tại đó doanh thu bán ra vừa đủ để bù đắp tất cả các chi phí, bao gồm chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí lãi vay;
+ Doanh thu hoà vốn tài chính là doanh thu bán hàng bằng tổng chi phí đã bao gồm lãi vay phải trả trong kỳ.
- Chi phí cố định là những chi phí không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ trong một phạm vi quy mô nhất định. Chi phí cố định thường bao gồm: khấu hao tài sản cố định, tiền thuê nhà, thuê tài sản, bảo hiểm, lãi vay… (lưu ý đối với lãi vay có thể xếp vào chi phí tài chính cố định).
- Chi phí biến đổi trên đơn vị sản phẩm là những chi phí thay đổi theo khối lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp, hay nói cách khác, khi doanh nghiệp sản xuất hoặc bán nhiều hàng hơn, tổng chi phí biến đổi sẽ tăng lên. Chi phí biến đổi thường bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp…
Để hiểu rõ hơn về điểm hoà vốn, hãy xem ví dụ sau:
Công ty bạn dự kiến sản xuất kinh doanh 1 loại sản phẩm là giày da cho nữ. Bạn đang nghiên cứu phương án kinh doanh và muốn biết xem liệu dự án này có khả thi về mặt tài chính hay không – và khi nào nó sẽ có lãi. Dưới đây là bảng thống kê các chi phí của công ty bạn:
Sử dụng công thức tính điểm hòa vốn ở trên, bạn có thể tính toán xem công ty sẽ cần bán bao nhiêu đôi giày da mỗi tháng để trang trải mọi chi phí:
Sản lượng hòa vốn = | 205.000 | = 2.050 đôi giày |
200-100 |
Công ty bạn phải sản xuất và bán 2.050 đôi giày da để trang trải tổng chi phí. Nếu bán được ít hơn 2.050 đôi giày, doanh thu của doanh nghiệp sẽ không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến thua lỗ. Ngược lại, nếu công ty bạn bán được nhiều hơn 2.050 đôi giày mỗi tháng, công ty sẽ thu được đủ doanh thu để trang trải mọi chi phí và tạo ra lợi nhuận.
Điều gì sẽ xảy ra với điểm hòa vốn nếu doanh số bán hàng thay đổi?
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khiến lượng khách mua giày ít đi, công ty bạn có nguy cơ không bán đủ giày để đạt điểm hòa vốn, bù đắp cho các chi phí. Bạn cần làm gì trong tình huống này? Nhìn vào công thức tính điểm hoà vốn, có 2 giải pháp cho vấn đề này:
-
- Tăng giá bán giày: điều này rất khó có thể thực hiện, nếu tăng giá bán, thông thường lượng khách sẽ càng ít đi.
- Cắt giảm chi phí bao gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi:
+ Giả sử bạn quyết định giảm chi phí lương của bộ máy quản lý xuống còn 25.000 và đàm phán được với đơn vị cho thuê mặt bằng, giảm giá thuê xuống còn 40.000. Điều đó làm cho chi phí cố định giảm từ 205.000 xuống còn 190.000. Giữ nguyên tất cả các biến số khác, điểm hòa vốn sẽ là:
Sản lượng hòa vốn = | 190.000 | = 1.900 đôi giày |
200 – 100 |
Có thể thấy, việc cắt giảm chi phí cố định sẽ làm giảm điểm hòa vốn.
+ Ngoài ra, bạn đàm phán được với nhà cung cấp giảm giá da dày và đế giày, chi phí xuống còn 50/đôi và 18/đôi. Giữ nguyên các biến số khác, điểm hòa vốn sẽ trở thành:
Sản lượng hòa vốn = | 205.000 | = 1.830 đôi giày |
200 – 88 |
Từ phân tích này cho thấy nếu có thể giảm các biến chi phí, bạn có thể giảm sản lượng hòa vốn mà không cần phải tăng giá.
Ứng dụng của phân tích điểm hòa vốn
Công ty A chuyên sản xuất và bán nồi cơm điện. Giá bán 1 nồi cơm điện là 400.000 đồng. Chi phí biến đổi là 300.000 đồng/ nồi và chi phí cố định là 800.000.000 đồng/ tháng (trong đó, chi phí khấu hao máy móc, thiết bị sản xuất là 400.000.000 đồng).
Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = (Đơn giá bán – Chi phí biến đổi) = (400.000 – 300.000) = 100.000 đồng
Điểm hoà vốn = Chi phí cố định/ Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = 800.000.000/100.000 = 8.000 nồi cơm điện
Doanh thu hòa vốn = (8.000 x 400.000) = 3.200.000.000 đồng
Như vậy, công ty cần phải sản xuất và bán được 8.000 nồi cơm điện/ tháng thì mới hòa vốn.
Lãnh đạo công ty đặt ra mục tiêu lợi nhuận trong tháng tới là 500.000.000 đồng.
Qua phân tích điểm hòa vốn, kế toán công ty tính được số sản phẩm cần sản xuất và tiêu thụ để đạt được mức lợi nhuận trên:
Số sản phẩm cần bán để đạt lợi nhuận mục tiêu = (Sản phẩm hoà vốn + Sản phẩm tạo ra lợi nhuận mục tiêu)
= (Chi phí cố định + Lợi nhuận mục tiêu)/Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = (800.000.000 + 500.000.000)/ 100.000 = 13.000 nồi cơm điện
Khi đó, Doanh nghiệp có thể cân nhắc có nên chấp nhận đơn đặt hàng hay không?
Giả sử công ty nhận được một đơn đặt hàng 60.000 nồi cơm điện chia đều trong 12 tháng với giá 315.000 đồng/nồi. Để sản xuất được số nồi cơm điện này, công ty phải đầu tư thêm máy móc sản xuất và các chi phí cố định khác 1.000.000.000 đồng. Công ty tiết kiệm được 10.000 đồng/nồi chi phí bán hàng nếu chấp nhận đơn hàng.
Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm hay còn gọi là lãi trên biến phí (là phần chênh lệch của đơn giá sau khi đã trừ đi chi phí biến đổi đơn vị sản phẩm) = 315.000 – 290.000 = 25.000 đồng
Số sản phẩm để bù đắp chi phí cố định tăng thêm = 1.000.000.000/ 25.000 = 40.000 nồi cơm điện
Lợi nhuận tăng thêm = 25.000 x 60.000 – 1.000.000.000 = 500.000.000 đồng
Như vậy, mặc dù với giá đơn đặt hàng thấp hơn nhiều so với giá bán hiện tại, đơn hàng vẫn đem lại cho công ty khoản lợi nhuận tăng thêm 500 triệu đồng. Công ty nên chấp nhận đơn hàng này. Tuy nhiên, trên thực tế, khi khách hàng này đặt hàng được giá thấp hơn thì các khách hàng khác cũng không còn chấp nhận giá cũ nữa. Doanh nghiệp cần xem xét sự ảnh hưởng ở mức hệ thống, có ảnh hưởng, tác động chéo đến những đối tượng khác không…
Doanh nghiệp có nên đầu tư thêm tài sản cố định hay không?
Trong cuộc họp gần đây, ban quản trị công ty đề xuất thay đổi dây chuyền chuyển sản xuất hiện tại bằng dây chuyền sản xuất bán tự động theo công nghệ mới. Chi phí ban đầu cần bỏ ra để đầu tư 120 tỷ, thời gian khấu hao dự kiến là 10 năm. Nếu dùng dây chuyền sản xuất mới, chi phí nhân công cần để sản xuất nồi cơm điện sẽ giảm đi đáng kể, thời gian sản xuất nồi cơm điện cũng nhanh hơn, chi phí biến đổi giảm xuống còn 240.000 đồng/ nồi cơm điện, chi phí cố định tăng lên 1,4 tỷ/ tháng (chi phí khấu hao cho máy móc, dây chuyền sản xuất mới là 1 tỷ/ tháng).
Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = 400.000 – 240.000 = 160.000 đồng
Điểm hoà vốn mới = 1.400.000.000/160.000 = 8.750 nồi cơm điện
Như vậy, nếu sử dụng dây chuyền sản xuất mới, công ty cần phải sản xuất và bán được 8.750 nồi cơm điện/ tháng thì mới hòa vốn.
Để đạt mục tiêu lợi nhuận 500.000.000 đồng, số nồi cơm điện cần sản xuất và tiêu thụ:
Số nồi cơm điện cần bán để đạt lợi nhuận mục tiêu = (1.400.000.000 + 500.000.000)/160.000 = 11.875 nồi cơm điện.
Như vậy, mặc dù đầu tư dây chuyền công nghệ mới làm tăng lên đáng kể chi phí cố định của doanh nghiệp, sản lượng hòa vốn tăng lên (tăng 750 cái), tuy nhiên, chi phí biến đổi đơn vị sản phẩm lại giảm. Từ đó khuếch đại lợi nhuận đạt được, số nồi cơm điện cần bán để đạt được lợi nhuận mục tiêu ít hơn so với ban đầu 1.125 nồi.
Công ty B cũng sản xuất và bán nồi cơm điện như A nhưng B sử dụng công nghệ hiện đại, chi phí cố định là 1.900.000.000 đồng/ tháng), trong khi đó, chi phí biến đổi giảm còn 200.000 đồng/ nồi cơm điện
Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = (Đơn giá bán – Chi phí biến đổi) = (400.000 – 200.000) = 200.000 đồng
Điểm hoà vốn = Chi phí cố định/ Lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm = 1.900.000.000/200.000 = 9.500 nồi cơm điện
Như vậy, có thể thấy, công ty B cần mức sản lượng cao hơn A để có thể hoà vốn. Tuy nhiên, sau khi hoà vốn, lợi nhuận mà B có được sẽ cao và nhanh hơn A do lợi nhuận góp đơn vị sản phẩm lớn hơn. Nếu quy mô sản xuất tiêu thụ càng mở rộng, doanh nghiệp B càng có lợi thế hơn để tăng lợi nhuận kinh doanh.
Ý nghĩa của phân tích điểm hòa vốn
Tính toán điểm hòa vốn của một công ty đã được chứng minh là một công cụ đơn giản nhưng mang tính định lượng cao đối với các nhà quản lý.
Phân tích hòa vốn tạo điều kiện cho cái nhìn sâu sắc về thực tế doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ có kết hợp khả năng trang trải chi phí sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ đó hay không.
Điểm hòa vốn cũng hữu ích đối với các nhà quản lý vì thông tin được cung cấp có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định quan trọng trong kinh doanh, ví dụ như chuẩn bị giá thầu cạnh tranh, định giá và đăng ký vay.
Phân tích hòa vốn là một công cụ đơn giản xác định số lượng bán hàng thấp nhất sẽ bao gồm cả chi phí biến đổi và cố định, tạo điều kiện cho các nhà quản lý có cơ sở để đánh giá và đưa ra các quyết định trong tương lai.
Phân tích điểm hòa vốn rất hữu ích trong việc nhận biết mức độ phù hợp của chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định ít hơn so với lượng nhân sự và thiết bị được sử dụng linh hoạt hơn, dẫn đến điểm hòa vốn thấp hơn. Từ đó, người quản lý sẽ tối ưu lại được chi phí để sản xuất sản phẩm, dịch vụ.
Ưu điểm và hạn chế của phân tích điểm hòa vốn
Ưu điểm của phân tích điểm hòa vốn
Việc phân tích điểm hoà vốn được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Theo dõi điểm hòa vốn giúp doanh nghiệp biết:
- Dòng sản phẩm hiện tại đang mang lại lợi nhuận như thế nào
- Doanh số bán hàng có thể giảm bao nhiêu trước khi bắt đầu bị lỗ
- Doanh nghiệp cần bán bao nhiêu đơn vị sản phẩm để hoà vốn, bao nhiêu sản phẩm để bắt đầu có lợi nhuận
- Thay đổi trong giá bán, sản lượng tiêu thụ, kết cấu chi phí sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp sẽ cần tăng giá bán, sản lượng tiêu thụ hoặc tiết giảm chi phí biến đổi như thế nào để bù đắp cho sự gia tăng chi phí cố định.
Hạn chế của phân tích điểm hòa vốn
Việc phân tích điểm hòa vốn thường gắn liền với các giả định, điều này gây ra những khó khăn khi phân tích điểm hoà vốn trên thực tế. Những khó khăn đó bao gồm:
- Giả định rằng giá bán không đổi ở mọi mức sản lượng: điều này không đúng với thực tế, khi sản lượng bán ra đạt đến một mức nhất định, giá bán cũng sẽ thay đổi theo quy luật cung – cầu trên thị trường.
- Giả định khối lượng sản xuất và bán hàng là như nhau, trong khi đó trên thực tế, doanh nghiệp luôn có một lượng hàng tồn kho nhất định.
- Phân tích hoà vốn khó áp dụng trong điều kiện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm do có sự khác biệt về giá bán và chi phí biến đổi của từng sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp thường sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau.
- Phân tích hoà vốn không quan tâm đến giá trị tiền tệ theo thời gian cho nên kết quả đặc biệt sai lệch trong trường hợp có lạm phát cao.
Cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh dịch vụ
Khi mở tiệm, cửa hàng kinh doanh mà bạn không nắm rõ điểm hòa vốn để có kế hoạch, mục tiêu tháng, ngày thì xem như bạn giống như một người nhảy xuống hồ nước bơi mà không biết điểm đến ở đâu. Dưới đây là cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh dịch vụ theo cách tính đơn giản nhất mà bạn không cần phải là chuyên gia tài chính.
Trước tiên bạn cần có chính xác 3 số liệu gồm: Định phí, biến phí, lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm hay dịch vụ.
Định phí hàng tháng
Là các chi phí cố định hàng tháng dù bạn có bán được sản phẩm hay không bạn vẫn phải chi.
Ví dụ như: Thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước, thuê kho bãi, thuê xe, dịch vụ bảo vệ, rác, PCCC,…
Biến phí hàng tháng
Là các khoảng chi phí biến đổi theo số lượng sản phẩm dịch vụ tiêu thụ trung bình hàng tháng. Có thể hiểu bao gồm: phí hủy hàng, khấu hao tài sản, khấu hao sản phẩm, khuyến mãi, hoa hồng cho bên thứ 3, marketing… Nói chung biến phí này bạn có thể chủ động thay đổi hàng tháng, ngược lại Định phí bạn không thể thay đổi. Bạn có thể gộp chung 2 cái này nếu biến phí hàng tháng của bạn duy trì ổn định. Chú ý là phần biến phí này không tính giá cốt sản phẩm vì tôi sẽ đưa nó vào mục số 3.
Lợi nhuận trên 1 dịch vụ
Lợi nhuận trên 1 dịch vụ = giá bán – giá gốc (chi phí sản phẩm DV) – hoa hồng nhân viên (nếu có)
Sau khi có 3 thông số này bạn chỉ cần làm theo công thức tính điểm hòa vốn sau:
Điểm hòa vốn = (Định phí + Biến phí)/LN 1 dịch vụ
📚 Khóa học dành cho bạn
Ví dụ: 1 Spa thực hiện nhiều gói sản phẩm khác nhau, tỷ lệ bán ra các sản phẩm này cũng tương đương nhau.
- Lợi nhuận trung bình là 500.000 đồng/gói dịch vụ (Giá cốt là 200k, giá bán 700k)
- Định phí là 64.000.000
- Biến phí 38.000.000
Vậy điểm hòa vốn = 64.000.000 + 38.000.000/500.000 = 204
Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra được 204 gói dịch vụ. Trung bình 1 ngày bạn phải bán là 204/30 = 6,8 dịch vụ (làm tròn 7 gói DV). Bạn hãy làm phép tính lại thử xem đúng không nhé.
(1) Doanh thu 204 gói DV x 700.000 = 142.800.000 đồng
(2) Định phí: 64.000.000
(3) Biến phí: 38.000.000
(4) Giá gốc SPDV: 204 x 200.000 = 40.800.000
(5) Điểm hòa vốn = (1) – (2) – (3) – (4) = 142,8 tr – 64 tr – 38 tr – 40,8 tr = 0
Vậy cứ mổi ngày mà bạn kinh doanh không bán ra được 6,8 gói dịch vụ này xem như bạn ăn không ngon ngủ không yên rồi. Nếu biết cách tính này bạn có thể biết được khả năng lãi hay lỗ trong từng ngày chứ không nhất thiêt đến cuối tháng mới biết lời lỗ. Từ điều này bạn sẽ có kế hoạch thay đổi chiến lược tốt hơn.
Bạn có thể từ điểm hòa vốn này mà thiết lập mục tiêu lợi nhuận mong muốn hàng tháng là bao nhiêu. Ví dụ trường hợp trên bạn muốn 1 tháng lãi 50 triệu thì công thức như sau:
Số DV mục tiêu = (Định phí + Biến phí + 50 triệu)/500.000 = 304. Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra 304 gói dịch vụ tương đương 1 ngày phải bán ra 10,1 gói. Nếu thấp hơn số này xem như không đạt chỉ tiêu, vượt số này xem như lãi vượt mong đợi.
Sẽ có nhiều ngành kinh doanh khác nhau và tỷ lệ lợi nhuận hoa hồng khác nhau. Trên đây chỉ là 1 ví dụ cơ bản của 1 gói dịch vụ hay 1 sản phẩm cụ thể. Nếu có quá nhiều thì cứ tính mức trung bình lợi nhuận. Nếu bạn là cửa hàng tiện ích hay tạp hóa thì bạn có thể tính LN là tỷ lệ trung bình % trên sản phẩm.
Ngoài ra từ cách tính điểm hòa vốn, các bạn có thể tính đến việc tuyển dụng bao nhiêu nhân viên sales và chỉ tiêu giao cho họ là bao nhiêu.
Như vậy qua bài viết bạn đã biết được điểm hòa vốn là gì, ưu điểm và hạn chế của việc phân tích điểm hòa vốn, cách tính điểm hòa vốn trong doanh nghiệp.
Chúc bạn thành công trong dự án sắp tới của mình.
KHÓA HỌC DÀNH CHO BẠN
Khóa học | Khai giảng | Học phí |
CEO – Giám đốc điều hành | 20-03-2024 | 12.400.000₫ (Áp dụng đến 31-01-2024) |
CCO – Giám đốc kinh doanh | 16-03-2024 | 10.400.000₫ (Áp dụng đến 31-01-2024) |
Sử dụng KPI trong đánh giá hiệu quả công việc | 26-02-2024 | 2.000.000đ |
Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp | 30-03-2024 | 3.200.000₫ 1.600.000₫ |
Chăm sóc khách hàng & giải quyết khiếu nại | 04-05-2024 | 3.200.000₫ 1.600.000₫ |
Kỹ năng làm việc hiệu quả | 22-03-2024 | 3.200.000₫ 1.600.000₫ |
Kỹ năng bán hàng hiệu quả | 06-03-2024 | 3.200.000₫ 1.600.000₫ |
Học tại: Phòng học VIP Tầng 14 Tòa Nhà Sông Đà, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội (bản đồ)