CEO là gì? Các kiểu CEO trong Doanh nghiệp tại Việt Nam
CEO là gì?
CEO là viết tắt của “Chief Executive Officer,” tức là người đứng đầu của một công ty hoặc tổ chức. Người đảm nhiệm vai trò CEO thường chịu trách nhiệm lãnh đạo chiến lược, quản lý tổ chức, và đưa ra các quyết định quan trọng để đạt được mục tiêu và thành công của công ty.
CEO làm việc trực tiếp với các giám đốc chức năng thuộc ban giám đốc để điều hành các hoạt động của công ty. Các giám đốc chức năng bao gồm: Giám đốc Tài chính (CFO), Giám đốc Nhân sự (CHRO), Giám đốc Kinh doanh (CCO), Giám đốc sản xuất (CPO), Giám đốc Marketing (CMO) và nhiều vị trí khác tùy thuộc vào cấu trúc tổ chức của công ty. CEO phối hợp với các giám đốc chức năng để đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả trong việc thực hiện các chiến lược, quyết định và mục tiêu của công ty. Sự hợp tác chặt chẽ giữa CEO và ban giám đốc đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thành công và phát triển bền vững của công ty.
Nhiệm vụ của CEO
Nhiệm vụ của một CEO bao gồm nhiều khía cạnh, và chúng thường thay đổi tùy thuộc vào ngành công nghiệp, kích thước và mô hình kinh doanh của công ty. Dưới đây là một số nhiệm vụ chính thường được giao cho CEO:
Xác định và triển khai chiến lược: CEO có trách nhiệm xác định hướng đi chiến lược của công ty và đảm bảo rằng nó phản ánh mục tiêu và giá trị cốt lõi của tổ chức. Họ phải lập kế hoạch và triển khai các chiến lược để đạt được mục tiêu dài hạn của công ty.
Lãnh đạo và quản lý nhóm: CEO phải xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ và đồng lòng, cung cấp hướng dẫn, định hình văn hóa tổ chức và tạo điều kiện để nhân viên phát triển và thăng tiến.
Quản lý tài chính: CEO chịu trách nhiệm đảm bảo tài chính của công ty ổn định. Họ phải quản lý nguồn lực tài chính, đảm bảo dòng tiền ổn định, định hình chiến lược tài chính và đảm bảo rằng công ty hoạt động có lợi nhuận.
Đại diện cho công ty: CEO thường đại diện cho công ty trước cổ đông, cơ quan quản lý, đối tác kinh doanh, và công chúng. Việc xây dựng mối quan hệ và thương lượng có ý nghĩa lớn để đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty.
Quản lý rủi ro và thích ứng: CEO cần nhận diện và quản lý rủi ro trong môi trường kinh doanh đang thay đổi. Họ phải thích ứng nhanh chóng với các biến đổi, điều chỉnh chiến lược để phản ứng với thị trường và cạnh tranh.
Định hình văn hóa tổ chức: CEO phải xây dựng một văn hóa tổ chức mạnh mẽ, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và một môi trường làm việc tích cực.
Phát triển và đổi mới: CEO cần tạo điều kiện cho sự phát triển và đổi mới trong công ty, khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
Đảm bảo tuân thủ: Đảm bảo rằng công ty tuân thủ các quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh và các tiêu chuẩn đạo đức.
Mỗi CEO có thể tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể tùy thuộc vào tình hình cụ thể của công ty, nhưng những nhiệm vụ trên thường là những trách nhiệm cơ bản của họ.
Kỹ năng cần có của CEO
Kiến thức, kinh nghiệm
Kinh nghiệm không đo bằng số năm, kinh nghiệm đo bằng số lượng vấn đề, khủng hoảng mà một CEO đã trải qua. Ngoài những kiến thức chuyên môn vốn có, CEO phải là một người dày dặn kinh nghiệm sống, biết đối nhân xử thế, biết đưa bản thân thử thách trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều môi trường khác nhau.
CEO cần có hiểu biết sâu rộng về các khía cạnh của lĩnh vực kinh doanh trong doanh nghiệp mình, bao gồm sản phẩm/ dịch vụ, tài chính, nhân sự, Marketing, kinh doanh,… Kiến thức và kinh nghiệm vững chắc giúp CEO định hướng và thực hiện các chiến lược một cách hiệu quả, phân tích thị trường, quản lý tài chính và đưa ra những quyết định quan trọng đúng đắn cho tổ chức.
Kinh nghiệm giúp CEO nhận ra được những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, nhờ đó có thể nhanh chóng đưa ra những phương pháp ứng phó với rủi ro hoặc nắm bắt cơ hội để phát triển trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay.
Tầm nhìn chiến lược
Một CEO xuất sắc là người luôn tự nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật kiến thức và học hỏi liên tục để không bị tụt lại phía sau. Một CEO có tầm nhìn chiến lược, CEO đó sẽ dễ dàng thâu tóm được các hoạt động của mỗi bộ phận, phòng ban và kiểm soát được hiệu suất của họ. Đồng thời đi sâu vào việc quản lý con người, quản lý cảm xúc và tận dụng năng lực của mỗi nhân viên.
Tư duy sáng tạo
Những ý tưởng độc đáo, tiên phong, không sao chép, vay mượn sẽ là gốc rễ cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Tư duy sáng tạo là điều quan trọng, do đó CEO phải là người hiểu rõ rằng, nếu không liên tục sáng tạo, đổi mới các loại hình kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị đè bẹp bởi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Truyền cảm hứng
Một trong những trách nhiệm quan trọng của CEO cũng là tìm kiếm những người đồng hành có tư duy tích cực vì sự trường tồn và phát triển vững mạnh của doanh nghiệp. Do đó, CEO cần có kỹ năng truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân viên, biết cách giữ chân nhân tài để họ luôn sẵn sàng cống hiến cho doanh nghiệp về lâu dài.
Để làm được điều đó, CEO phải là người đầu tiên vì tổ chức, yêu tổ chức và con người của tổ chức, liên tục cổ vũ, động viên, khuyến khích cho từng cá nhân bằng nhiều cách như chế độ đãi ngộ tốt, hình thức khen thưởng cho những nhân viên có thành tích xuất sắc, tổ chức những phong trào thi đua lành mạnh.
CEO cần có kỹ năng truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân viên tổ chức của mình
Tố chất bẩm sinh
Không phải ai cũng có thể chuyên nghiệp trong vai trò CEO nếu thiếu những tố chất bẩm sinh. Các tố chất thường thấy ở một CEO thành công như:
- Chỉ số thông minh (IQ)
- Chỉ số cảm xúc (EQ)
- Tư duy tổng hợp, khả năng phân tích, hệ thống, sáng tạo.
- Tính cách nhanh nhạy, mạnh mẽ, quyết đoán.
- Thần thái uy lực của một nhà lãnh đạo, cầm quyền.
📚 Khóa học dành cho bạn
Các kiểu CEO trong doanh nghiệp
HocCEO.com xin chia sẻ 4 kiểu CEO để giúp các bạn nhận diện mình đang thuộc CEO nào và mong muốn để trở thành CEO như thế nào trong hình tượng tương lai.
- Kiểu 1: CEO cảm xúc
- Kiểu 2: CEO uy tín
- Kiểu 3: CEO mê tín
- Kiểu 4: CEO quản trị
Nhận diện được 4 kiểu CEO này: nếu là nhân viên, bạn sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa vận hành doanh nghiệp của họ từ đó biết cách thích nghi còn nếu là sếp, bạn sẽ biết cách điều chỉnh lối vận hành của mình sao cho hợp lý nhất.
Kiểu CEO cảm xúc
Đặc điểm tiêu biểu của CEO kiểu này là giỏi “nịnh” đồng thời cũng rất “ưa nịnh”. Họ cư xử với cấp trên/ đối tác rất khéo còn đối với nhân viên cấp dưới, không biết nịnh họ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Ưu thế của những CEO cảm xúc là họ có khả năng tạo ra những mối quan hệ rất tuyệt vời. Hệ thống nhân sự bên dưới tuân thủ sếp một cách tuyệt đối. Cũng chính vì thế văn hóa của doanh nghiệp này là “Văn hóa tuân thủ và nịnh”
Trước năm 2012, những CEO cảm xúc tạo được mối quan hệ mật thiết với hệ thống chính quyền. Thời buổi kinh tế theo cơ chế xin cho lúc đó là thời điểm lên ngôi của nhóm CEO này và họ gặt hái được rất nhiều thành công . Tuy nhiên từ năm 2016 trở đi, khi thời thế thay đổi, nhóm CEO cảm xúc đã có hiện tượng xuống dốc.
Kiểu CEO uy tín
Đó là những nhân vật nổi tiếng đình đám trong lĩnh vực hoạt động của họ như: showbiz, giáo dục, kinh doanh,… Doanh nghiệp sống bằng uy tín của những CEO này, khách hàng tìm đến doanh nghiệp bằng uy tín của CEO, nhân viên cống hiến cho doanh nghiệp do uy tín của CEO.
Văn hóa doanh nghiệp ở đây là sự ngưỡng mộ dành cho lãnh đạo. Thật tuyệt nếu CEO Uy tín vận hành doanh nghiệp theo quy trình bài bản còn nếu chỉ có uy tín của CEO mà thiếu đi quy trình thì doanh nghiệp rất dễ “sụp đổ”. Nhóm CEO Uy tín thường dễ thành công trong mô hình doanh nghiệp nhỏ hơn. Hiện nay có rất nhiều người thành công với mô hình này, đó là những thầy giáo nổi tiếng, nhân vật showbiz đình đám,… đứng ra mở công ty.
Kiểu CEO mê tín
Những CEO này luôn tin may mắn là yếu tố quyết định đi đến thành công. Họ dành rất nhiều thời gian nhiều để xem phong thủy và lễ cúng. Tại doanh nghiệp của họ, mọi chỗ ngồi, lời nói và hành động của nhân viên đều phải tuân thủ “một luật lệ” nào đó. Khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014, rất nhiều CEO đổ xô đi học phong thủy trong doanh nghiệp, cách thờ cúng trong doanh nghiệp, nhìn tướng người trong Doanh nghiệp
Kiểu CEO quản trị
Đặc điểm nhận diện của những CEO Quản trị là khi nhân viên trình bày một vấn đề nào đó, họ đều đặt câu hỏi “Tại sao” và khi đưa ra quyết định, họ luôn luôn tìm hiểu nguyên nhân dựa trên những con số xác thực trong quá khứ, hiện tại và tương lai rồi từ đó mới đưa ra giải pháp. Để tồn tại được trong doanh nghiệp của những CEO Quản trị, nhân viên phải làm việc chuyên nghiệp và có năng lực thực sự. Mọi chiêu trò đều không tồn tại được trong hệ thống này vì CEO Quản trị biết rất rõ điều doanh nghiệp muốn – đích đến cuối cùng của doanh nghiệp là gì.
CEO Quản trị xây dựng sự phát triển của doanh nghiệp dựa trên nền tảng của ý chí, tạo ra hệ thống nhân sự tinh nhuệ, nguồn tài đảm bảo doanh nghiệp đi đến đích một cách khả thi nhất. Trong quá trình vận hành thì mọi yếu tố phát triển của doanh nghiệp đều có con số rõ ràng. Bốn chỉ số họ quan tâm nhất, đó là: Sức khỏe của doanh nghiệp, Sức khỏe của nhân sự, Sức khỏe của kinh doanh, Sức khỏe của tài chính.
Đây là tấm bản đồ hết sức quan trọng của CEO Quản trị nhưng lại là cách vận hành khó khăn nhất bởi nó yêu cầu CEO phải có kỹ năng điều hành con người, kỹ năng vận hành doanh nghiệp một cách khoa học đồng thời phải biết tổng hợp một loạt các kiến thức: Chiến lược, Kinh doanh, Nhân sự, Vận hành, Pháp lý
Thể theo từng kiểu CEO thì trên thị trường cũng xuất hiện những trung tâm đào tạo các nhóm CEO khác nhau.
CEO Cảm xúc: Trước năm 2012, toàn bộ chương trình đào tạo doanh nhân đều hướng đào tạo CEO theo hướng giúp học viên biết cách tạo quan hệ với các quan chức/ người nổi tiếng để mong chờ tạo ra giá trị từ các mối quan hệ.
CEO Uy tín: các khóa học đào tạo cách làm thương hiệu cá nhân để trở thành “người nổi tiếng”, từ đó lôi kéo khách hàng.
CEO Mê tín: đào tạo kiến thức phong thủy, tướng số,… cho người đứng đầu doanh nghiệp.
Nếu 1 CEO có đủ cả 4 yếu tố: cảm xúc, uy tín, mê tín, quản trị và lấy yếu tố CEO quản trị làm trọng thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ phát triển bền vững. Hi vọng rằng các bạn đã có cái nhìn tổng quan về các kiểu CEO trong doanh nghiệp hiện nay.
Khóa học dành cho CEO
Khóa học Giám đốc điều hành do Tổ chức Giáo dục PTI đào tạo sẽ theo hướng đủ cả 4 yếu tố này và lấy yếu tố CEO quản trị làm trọng.
Học tại: Phòng học VIP Tầng 14 Tòa Nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm – Hà Nội (bản đồ)