5 Lý Do Sự Thấu Cảm Đang Là Kỹ Năng Lãnh Đạo Số 1
Theo các nghiên cứu cho thấy sự thấu cảm là một trong những kỹ năng hàng đầu mà nhà lãnh đạo cần lưu tâm và rèn luyện. Khả năng lắng nghe và phản hồi bằng sự thấu cảm là một kỹ năng tương tác vượt trội hơn tất cả các kỹ năng khác. Sự thấu cảm là một giá trị có tác dụng thúc đẩy sự cam kết và hợp tác cao trong công việc ở khắp nơi trên thế giới. Dưới đây là 5 lý do cho thấy sự thấu cảm đang trở thành kỹ năng lãnh đạo số một.
1. Giúp giữ chân nhân tài
Một trong những khó khăn mà tất cả các tổ chức phải đối mặt là giữ chân nhân viên tài năng, và lí do được cho là phổ biến nhất cho sự ra đi của họ là sự thiếu tin tưởng và đánh giá cao từ cấp trên. Sự thấu cảm sẽ làm tăng niềm tin, tạo cảm giác nhân viên được coi trọng và quan tâm hơn.
Cho dù trong các mối quan hệ cá nhân hay là một thành viên của tổ chức, họ cũng sẽ có nhiều khả năng gắn bó hơn khi cảm thấy được lắng nghe, đánh giá cao và được chú ý đến. Do đó, những nhà lãnh đạo có khả năng thấu cảm cao sẽ chiếm được tình cảm của nhân viên và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến việc ở lại của họ.
2. Nhân viên gắn kết hơn
Bạn đã bao giờ để ý rằng, khi ai đó gần gũi, quan tâm tới cảm xúc của bạn hoặc đánh giá cao điều gì đó mà bạn đã làm xuất sắc thì bạn sẽ tự động có mong muốn làm việc nhiều hơn cho họ. Khi lãnh đạo chứng minh rằng họ có quan tâm, họ sẽ tạo được sự ảnh hưởng khiến nhân viên muốn nỗ lực nhiều hơn nữa.
Thật đáng tiếc là nhiều tổ chức đã bỏ lỡ hành vi lãnh đạo cơ bản nhưng rất quan trọng này. Các tổ chức thành công nhận thức được điều này và các nhà lãnh đạo của họ liên tục tìm cách để tạo sự thấu cảm, khen ngợi công bằng và tìm cách thể hiện sự đánh giá cao đối với nhân viên.
3. Nhân viên phối hợp tốt hơn
Những nhân viên cảm thấy được trân trọng và đánh giá cao không chỉ muốn cống hiến nhiều hơn nữa trong công việc mà họ còn muốn làm nhiều hơn nữa cho đồng nghiệp của mình. Một khi sự thấu cảm được thể hiện ở cấp lãnh đạo cao nhất, nó sẽ được lan tỏa trong toàn bộ tổ chức.
Điều đó giúp gia tăng tinh thần đồng đội, giảm xung đột trong đội ngũ và giảm sự gián đoạn tại nơi làm việc. Sự hợp tác này sẽ giúp nhân viên có tính phối hợp với nhau tốt hơn trong công việc và tăng năng suất công việc.
4. Nhân viên hạnh phúc hơn
Những nhân viên cảm thấy mình được chú ý, lắng nghe và đánh giá công bằng sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của họ. Khi mức độ hài lòng với công việc tăng lên, mức độ tiêu cực trong công việc sẽ giảm đi, từ đó hạn chế được hàng loạt những rủi ro tiềm ẩn.
Những nhân viên cảm thấy ít cam kết hơn với tổ chức sẽ cảm thấy ít có động lực làm việc tại công ty. Lập trường của họ là nếu không ai quan tâm đến tôi, tại sao tôi lại phải có mặt ở đó? Điều đó sẽ khiến tinh thần làm việc của các đồng nghiệp khác cũng bị trượt dốc không phanh do những tác động tiêu cực khác. Nên nhớ rằng, thứ khiến một nhân viên có động lực không phải là tiền lương cao hay thấp, mà là họ có một cơ hội để phát triển, một môi trường làm việc tích cực và sự am hiểu của cấp trên
5. Nhân viên sáng tạo hơn
Những người cho rằng họ là một phần của tổ chức, được lắng nghe và đánh giá cao có xu hướng mạo hiểm nhiều hơn và tìm cách bổ sung giá trị gia tăng cho tổ chức. Họ có nhiều khả năng dành thời gian và năng lượng để đưa ra những ý tưởng, quy trình và phương pháp mới nhằm cải thiện công việc của chính họ và đưa tổ chức tiến lên.
Đồng thời, họ sẽ còn tự rèn luyện thêm những kỹ năng mới, phát triển chính mình vì sự nghiệp phát triển chung của công ty. Sự cam kết này khiến cho họ cảm thấy rằng thành công của bản thân mình và của tổ chức có mối quan hệ không thể tách rời. Chính điều đó sẽ thúc đẩy họ muốn tìm ra những cách thức làm việc mới, tốt hơn và hiệu quả hơn và không ngừng phát triển, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.