Quản trị & Lãnh đạo tổ chức: Từ Giá trị đến Sức mạnh
Tên sách | QUẢN TRỊ & LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC: Từ GIÁ TRỊ đến SỨC MẠNH |
Tác giả | Nguyễn Tất Thịnh |
Giá bán | 500.000vnđ |
Tái bản lần 2 | 05/2020 |
Nhà xuất bản | Nhà xuất bản Đà Nẵng |
LỜI TỰA
18 năm trước (năm 2002) tôi đã viết cuốn sách NGHỀ GIÁM ĐỐC (NXB Chính Trị Quốc Gia) không chỉ là tham khảo mà trên thực tế một số nơi (trường đại học và trung tâm đào tạo) đã sử dụng như là cuốn giáo trình ‘nhập môn cho nghề Giám đốc doanh nghiệp’. Cuốn sách đó đã làm xong ‘sứ mệnh’ của nó (trong thời kỳ các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu bước vào thị trường và hội nhập).
.
Đến nay tôi nhận thức rằng các nhà quản trị doanh nghiệp bước đến thời kỳ mới: hội nhập quốc tế sâu rộng, hiện thực các nguyên lý thành các giải pháp, hiện thực tư tưởng thành các sản phẩm, vận hành doanh nghiệp trong một hệ thống công nghệ tin học toàn cầu… Nên tôi viết cuốn sách mới này, với mục đích thúc đẩy nghề Giám đốc lên một trình độ cao hơn, nhưng vẫn theo cách bạn đọc sử dụng kiến thức vốn có, trải nghiệm đã từng, tư duy của mình để suy tưởng, suy lý, suy nghiệm tiếp khi đọc từng trang viết và các sơ đồ trong sách. Sách bao gồm phần chữ viết ngắn gọn xúc tích, kết hợp với các hình vẽ (sơ đồ) với mong muốn cô đọng và tích hợp nhiều khía cạnh của nội dung nhất định được trình bày. Tôi không lạm đưa ra nhiều ví dụ điển hình (case studies), thay vào là đề cập đến tính phổ biến của sự vật hiện tượng (ví dụ sự ‘nở hoa’ thì có thẻ thấy ở nhiều loài thực vật khác nhau nhưng có tính chung bản chất là ‘tiết mùa / tạo trái / khoe sắc / vẻ đẹp. Bạn đọc sẽ liên hệ đến tổ chức mình với những hoạt động khác nhau trở thành ví dụ riêng cụ thể (như thêm được một cây vào cách rừng chung của kiến thức)
Trong cuốn sách này tôi viết, đã cố gắng ‘4 không’ :
- Không nhắc lại, sao chép các kiến thức đã từng có về quản trị tổ chức, có thể tra cứu nhiều từ sách vở có sẵn hoặc từ mạng Internet. Nếu có đề cập về ai đó thì lấy ý tứ của họ, viết theo văn của mình.
- Không trích dẫn tác phẩm nào của ai theo nghĩa là cả câu, hay đoạn văn, nhưng có thể dùng thành quả của các tiền bối khoa học đã đến mức thành đại chúng (ví dụ: nói về quản trị theo khoa học, nhắc đến F. Taylor là đủ)
- Không ‘tán câu chẻ chữ’ và không viết lại các theo từ điển phổ thông để làm đầy trang sách của mình (ví dụ: không định nghĩa ‘quản trị’ theo từ điển thông thường rồi thêm thắt, mà theo nội hàm vận dụng sinh động)
- Không dùng bất cứ sơ đồ có sẵn trong các sách nào của ai. Nhiều sơ đồ, hình vẽ là của chính mình suy tư, chiêm nghiệm, mài rũa trong nhiều lần sử dụng, (mà không dùng bất cứ có sẵn trong các sách nào của ai), mô tả và tích hợp các nội dung muốn truyền tải.
Tên cuốn sách tuy dài, nhưng nói lên toàn bộ các nội dung chủ đạo của cuốn sách: từ kiến tạo tổ chức, đến quản trị như thế nào, dùng tổ chức (doanh nghiệp) để tạo giá trị sản phẩm / dịch vụ và đề cập đến sức mạnh của tổng hợp những phương thức, công cụ, thành tựu như sức mạnh to lớn góp phần làm cho Thế giới phát triển.
- Nhân sinh quan của cuốn sách này:
- Ta đi trong 8 Phương Đất: cần dự liệu mọi điều, chuẩn bị, định vị định hướng , lộ trình mục tiêu
- Ta đi trong 9 Phương Trời: có tri thức trên đỉnh đầu (xa , sâu, rộng, cao, vĩ) hơn các kiến thức có từ (kinh nghiệm, chuyên môn) trong vỏ não
- Ta đi trong 10 Phương Phật: luôn có niềm tin và (khoa học, việc tốt đang làm, tính nhân quả của mọi điều)
ĐỀ DẪN
Khoa học quản trị là tinh hoa kết hợp của ba ngành:
- Algorithm (trình tự logic của các hành vi)
- Bionic (học hỏi những cách thông minh của sinh vật)
- Cybernetics: (điều khiển các quá trình mục tiêu)
Để hoàn thành những nhóm công việc lớn, những đại sự cần đến tổ chức, với phương pháp quản trị kết hợp được tinh hoa của ba lĩnh vực nêu trên để: thông minh, tiêu chuẩn, quy mô, tốc độ, và tương kết .
.
Chúng ta biết trình độ Quản trị một tổ chức thể hiện
- Tính công nghệ của kỹ thuật toàn diện
- Tính chuẩn mực văn minh của thời đại
- Tính thị trường – xã hội được đáp ứng đầy đủ
Có nhiều người làm việc tốt với chuyên môn, công cụ và điều kiện tĩnh. Nhưng khi làm việc với nhau, với bài toán mục tiêu lớn và trong môi trường biến động… lúc ấy đòi hỏi cần nhà Quản trị có tư duy cao rộng, thiết lập và vận hành tổ chức tin cậy hiệu quả , dụng được phương pháp tầm vóc (cao hơn, xa hơn, mạnh hợn) vượt trên các kĩ năng riêng lẻ, sự hạn chế của các nguồn lực, thách thức của môi trường)
.
Tôi hơn nửa cuộc đời: đọc, làm, viết… tổng kết, tích hợp những tri thức đa dạng từ những lớp học giả trong ngoài nước , khảo cứu thực tiễn của những tổ chức tôi từng tư vấn, kết hợp với suy tư nghiên cứu thành những mô hình đặc trưng cho từng vấn đề (có ý nghĩa như tra cứu hoặc cẩm nang chỉ dẫn)
.
Thực tiễn thì muôn vàn, nhưng để không bị lung lạc thì phải dựa trên những nguyên tắc của khoa học, những định đề phổ quát, những nguyên lý của Thiên Địa Nhân.
.
Để một ông Vua còn rất trẻ trị vì được xã tắc đó là trình độ Quản trị (bình thiên hạ); để một người chủ gia đình tổ chức cuộc sống thành đạt hạnh phúc đó là trình độ Quản trị (tề gia); để làm được Kim Tự Tháp đó là trình độ Quản trị vượt trên mọi công nghệ, hữu hạn của con người. Để vận hành nhà máy điện hạt nhân khổng lồ là sự thấu hiểu từ nguyên tử đến thấu đáo từng hành vi nhỏ, cũng như thực hành cách thức hoà nhập vào mạng lưới điện quốc gia.
.
Tôi kỳ công viết cuốn sách này với khát vọng: Nước Việt chúng ta có nhiều tổ chức từ hữu ích đến hùng mạnh, nhiều Doanh nghiệp phát triển để Quốc Gia Việt Nam hội nhập sánh vai các cường quốc năm Châu!
.
Trân trọng!