5 Nguyên tắc rèn luyện kỹ năng lắng nghe
Lắng nghe người khác có vẻ là một việc rất đơn giản nhưng thực tế thì không phải ai cũng làm được tốt điều này. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với người khác, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để ngồi nghe và thấu hiểu. Nếu có khả năng đó, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của đối phương, cả hai sẽ có sự đồng cảm, gần gũi hơn; đó cũng là một kỹ năng rất quan trọng trong công việc.
Vậy thì lắng nghe là gì? Đó là khi chúng ta chú ý đến lời nói của người khác để vừa nhận được thông tin, vừa có thể cảm nhận và hiểu họ. Lắng nghe hoàn toàn khác với nghe thông thường, nó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tập trung và khả năng tương tác tốt với người nói.
Khi bạn có kỹ năng lắng nghe tốt, bạn sẽ có khả năng giao tiếp, đàm phán và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn. Người đối diện sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của bạn, đặc biệt khi nếu đó là đối tác, sẽ tạo ra không khí thẳng thắn, đáng tin. Ngoài ra, kỹ năng lắng nghe sẽ giúp chúng ta rèn luyện sự tập trung, cho thấy mong muốn cầu thị.
Để rèn luyện kỹ năng lắng nghe, chúng ta cần rất nhiều thời gian, công sức và bạn có thể áp dụng 5 nguyên tắc sau đây giúp việc rèn luyện thuận lợi hơn:
1. Tập trung và chủ động lắng nghe
Khi bạn tập trung lắng nghe, bạn sẽ hiểu câu chuyện người ta kể nhanh hơn và sâu sắc hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn chỉ nghe và im lặng, hãy đưa ra quan điểm của mình, đưa ra lời khuyên đối phương theo góc nhìn của mình; nếu không, cuộc trò chuyện sẽ trầm xuống và đi vào bế tắc. Đôi khi, bạn nên đưa ra những câu hỏi mở để giúp họ cảm nhận mình đang lắng nghe và cảm nhận được những gì họ nói; đó là cách để cả hai cởi mở, thân thiết hơn.
2. Khi họ đang nói, đừng ngắt lời
Ngay cả khi bạn là người chủ động tò mò thì tuyệt đối đừng cắt ngang khi người ta đang nói. Đó là một hành động rất mất lịch sự và khiến cho đối phương cảm thấy khó chịu. Có thắc mắc gì, để họ nói xong rồi hỏi cũng chưa muộn.
3. Đừng có áp đặt cái tôi của mình
Nếu đã lắng nghe người khác thì tuyệt đối bạn đừng thể hiện cái tôi của mình ra. Nó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy áp đặt họ thay vì nghe họ nói và thấu hiểu họ. Cũng đừng tỏ ra bất kì tín hiệu nào cho thấy bạn đang chán nản hoặc không muốn nghe người ta nói nữa, họ sẽ cảm thấy buồn và cuộc trò chuyện sẽ sớm kết thúc.
4. Hỏi đúng lúc, đúng chỗ
Những người biết lắng nghe thông minh là người biết đặt lại câu hỏi cho người nói. Đó là một yếu tố giúp kỹ năng lắng nghe của bạn lợi hại hơn. Hãy đặt đúng câu hỏi, đúng lúc, đúng chỗ, nó thể hiện được thái độ, sự quan tâm của bạn đến người nói.
5. Đưa ra quan điểm và lý giải nó
Một điểm cực kỳ quan trọng khi lắng nghe câu chuyện của người khác là bạn nên đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Có thể là một lời khuyên, một lời động viên hoặc khen họ tùy vào từng tình huống để tạo ra sự tương tác giữa hai bên. Nếu như không tiện nói, bạn có thể có một vài hành động như vỗ lưng an ủi, nắm tay họ để giúp họ cảm thấy tốt hơn nhé.
Nói hay thôi là chưa đủ mà bạn cần phải biết lắng nghe nữa. Đó không phải một điều dễ dàng nhưng nếu kiên trì rèn luyện thì kỹ năng lắng nghe của bạn chắc chắn sẽ tốt lên thôi. Từ đó khả năng giao tiếp của bạn sẽ được nâng cao; công việc, cuộc sống sẽ thuận lợi hơn.