Doanh nghiệp bạn học được gì năm 2022 và chuẩn bị gì cho năm 2023
Theo báo cáo Business Ahead 2023 của baocaothitruong.vn, khi khảo sát về điều mà các doanh nghiệp đã học hỏi được từ năm 2022, một trong những câu trả lời phổ biến nhất là “năng lực tái tạo”.
* Bài viết tổng kết năm của NB Hoàng Phương – Chủ tịch IMCE Global.
Nhìn lại năm cũ qua những từ khóa lớn
Năng lực tái tạo có vẻ phù hợp khi chúng ta vừa kết thúc một năm đánh dấu từ khóa “bất ổn”. Theo báo cáo Business Ahead 2023, bất ổn hiện diện cả trong đời sống và kinh tế, bao gồm những tổn thất liên tục xảy đến bởi ảnh hưởng từ đại dịch.
Mặc dù năm vừa qua là một năm đầy thử thách và gây khó khăn cho nhiều tổ chức và cá nhân, nhưng từ khóa tạo nên dấu ấn lớn là “doanh nghiệp tái tạo”, hay còn được gọi là khả năng phục hồi của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã hồi phục đầy hy vọng, quản trị bài bản hơn và “khiêm tốn” hơn trước một thế giới VUCA bất định.
Tất nhiên, Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến doanh nghiệp cần khả năng phục hồi. Thách thức còn bao gồm nỗi lo về suy thoái kinh tế, sự sa thải nhân viên, xung đột địa chính trị hay khủng hoảng về môi trường sống.
Đủ loại thách thức đã và đang đo đếm giới hạn của các doanh nhân. Nhưng vượt trên tất cả, những cụm từ đầy hy vọng đang hiện diện, hướng dẫn doanh nghiệp cách thức vượt qua sự bất định: “tính linh hoạt”, “sức chịu đựng”, “đổi mới sáng tạo mở”, “tốc độ bứt phá”…
Đây cũng là năm mà hai cụm từ “quiet quitting” – âm thầm nghỉ việc và cặp bài trùng “quiet firing” – âm thầm sa thải gia nhập vào danh mục những từ khóa nổi bật nhất năm 2022. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những bài viết được đọc nhiều nhất trên trituemoi.vn năm 2022 là về quản trị hiệu suất và quản trị nhân sự (tuyển – dùng – giữ – sa thải).
Nỗ lực đổi mới của các nhà lãnh đạo trong năm 2022 bất định
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những gã khổng lồ công nghệ sa sút do quản lý yếu kém, thiếu thận trọng, bất ổn kinh tế, thiếu đổi mới và trực diện vô số tình huống không lường trước được.
Meta từng tuyển dụng ồ ạt lên đến 77.800 người vào đầu năm 2022. Nhưng chỉ trung tuần tháng trước, Meta thông báo đã cắt giảm 11.000 lao động – tương đương 13% tổng số nhân sự của công ty này. Tiếp theo sau đó là làn sóng cắt giảm chi tiêu và sa thải mạnh tay của Microsoft, Intel, Twitter, Seagate Technology Holdings…
Tuy nhiên, đồng thời, các nhà lãnh đạo đổi mới đã xuất hiện: các công ty đã tìm thấy cơ hội trong thế giới luôn bất định, nắm bắt thời cơ và chấp nhận rủi ro để tiến lên phía trước.
Bất ổn về kinh tế đòi hỏi đầu tư công nghệ chiến lược
Lạm phát và điều kiện kinh tế suy thoái đang thách thức các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong nền kinh tế này, doanh nghiệp khôn ngoan thường tính toán cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, áp lực kinh tế khiến doanh nghiệp cấp bách muốn thu hồi lợi nhuận từ những khoản đầu tư kỹ thuật số và phát triển công nghệ. Các nhà quản lý phải đảm bảo có thể tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua triển khai chiến lược công nghệ thích ứng. Ví dụ: tự động hóa các quy trình tài chính sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tài chính nhanh chóng.
Sự biến động của thị trường lao động kìm hãm sự đổi mới
“Âm thầm nghỉ việc” hay “âm thầm sa thải” thống trị các tiêu đề tin tức kinh doanh trong năm vừa qua. Nhân viên tiếp tục nghỉ việc vì kiệt sức và mức độ hài lòng trong công việc thấp. Các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài, nhưng khi đội nhóm đã đủ thì phải đối mặt với thách thức về nhu cầu lương tăng, gây căng thẳng cho ngân sách và có thể dẫn đến sa thải nhân viên. Đó là một cái bẫy tuần hoàn chết người.
Theo dự đoán của Gartner, đến năm 2025, sự biến động về lao động sẽ khiến 40% doanh nghiệp báo cáo thua lỗ nghiêm trọng trong kinh doanh, buộc phải chuyển chiến lược – từ thu hút nhân tài sang tái tạo/ phục hồi. Nói cách khác, chỉ số giữ chân nhân tài trở nên quan trọng hơn, có thể sánh sang với tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ giữ chân khách hàng trên bảng cân đối kế toán.
Tính bền vững phải là ưu tiên hàng đầu
Tại COP27, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã tuyên bố rằng: “Chúng ta đang đi trên con đường cao tốc hướng đến địa ngục khí hậu, với bàn chân đặt trên chân ga”.
Một cuộc khảo sát gần đây của Gartner cho thấy 87% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn tăng đầu tư cho tổ chức của họ vào tính bền vững trong hai năm tới. Cũng cuộc khảo sát đó cho thấy 86% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp coi tính bền vững là một khoản đầu tư giúp bảo vệ tổ chức của họ khỏi sự bất ổn của nền kinh tế.
Ngoài ra, 83% cho biết các hoạt động bền vững đã trực tiếp tạo ra giá trị cả ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp và 80% cho biết rằng tính bền vững đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa và giảm chi phí. Đầu tư bền vững mang đến “lợi ích hai trong một” – hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Công nghệ là một trong những chìa khóa giúp doanh nghiệp giải bài toán bền vững.
Thoải mái hơn với thất bại
Ở bất kỳ nơi đâu cũng có trường hợp như vậy: Chúng ta đưa ra mục tiêu cho năm mới và… nó không thành công. Tại sao? Thường là do ban đầu chúng ta không cho phép mình thất bại. Nhưng khi thất bại một vài lần, chúng ta nản và sau đó quyết định bỏ cuộc.
Chìa khóa để thay đổi, để tiếp nhận điều gì đó mới là cảm thấy thoải mái hơn với thất bại. Hãy bắt đầu bằng cách tự tạo hệ miễn dịch cho bản thân và đội nhóm trước những thất bại lớn bằng cách thử những thí nghiệm với những thất bại nhỏ.
Ví dụ, nếu mục tiêu của đội nhóm là đạt doanh số trong tuần. Nếu không hài lòng với kết quả, không có vấn đề gì lớn! Nó chỉ là một lần thất bại. Hãy đưa đội nhóm làm lại vào tuần sau. Nhưng luôn nhớ phải đặt rõ mục tiêu và giải trình nếu không thực hiện được – bất kể việc đó tệ đến mức nào. Và cuối cùng, hãy ghi lại những nỗ lực đó. Theo thời gian, chúng ta sẽ nhận thấy mình đi được bao xa. Thay vì tập trung vào những thất bại nhỏ không thể tránh khỏi, chúng ta có thể đánh giá cao sự tiến bộ chung của mình.
Cải thiện cách thức động viên và khích lệ đội ngũ
Công nhận nhân sự khi họ làm tốt sẽ mang lại kết quả lớn, thúc đẩy tinh thần, năng suất, hiệu suất và khả năng giữ chân nhân viên.
Một cách động viên tốt là mô tả cho nhân viên những gì họ đã làm và điều đó có ích đối với nhà quản lý, với cả đội ngũ, doanh nghiệp hoặc khách hàng như thế nào. Không chỉ công nhận kết quả, mà điều quan trọng là phải nhận ra những hành động tích cực dẫn đến kết quả đã được thực hiện ra sao.
Ngoài ra, hãy để tâm đến nhân viên cần được công nhận, họ muốn nhận được danh tiếng ở nơi công cộng hay riêng tư; bằng lời nói hoặc thông qua đoạn chat nhóm? Dù chọn phương pháp nào, thì điều quan trọng nhất là sự kịp thời.
Áp lực hiệu suất và lòng trắc ẩn
Điều này thường thấy ở các nhà quản lý cấp trung, những người đang bị “giằng xé” giữa yêu cầu về hiệu suất từ lãnh đạo và đòi hỏi sự quan tâm từ nhân viên cấp dưới. Họ bị mắc kẹt ở giữa.
Các nhà quản lý tài năng sẽ giúp lãnh đạo cấp cao hiểu nhu cầu của nhân viên tuyến đầu, đưa ra dữ liệu và minh chứng cụ thể về khó khăn và cuối cùng thuyết phục bằng một giải pháp thay thế. Nhà quản lý không làm hộ việc cho nhân viên, mà sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi và đưa ra sự hỗ trợ cần thiết. Nhà quản lý cũng đừng quên chăm sóc bản thân. Không người quản lý nào có thể giúp đỡ nhân viên của họ một cách hiệu quả nếu họ cũng kiệt sức.
Năm 2023: Con thuyền kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt sóng
Năm 2022 chúng ta chứng kiến những điều chưa từng có trong lịch sử: VN-Index lần đầu vượt mốc 1.500 điểm, để rồi lại mất đi đến 40% chỉ sau vài tháng, hàng triệu tỷ đồng vốn hoá bốc hơi.
Quy mô nền kinh tế của chúng ta hơn 400 tỷ USD. Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đây là 3 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Và cỗ xe tam mã này cũng đã tạo nên mức tăng trưởng GDP 8.02%, con số chưa từng thấy 1 thập kỷ trở lại, bất chấp nền kinh tế gặp muôn vàn khó khăn.
Trong những nỗ lực ổn định vĩ mô lâu dài, không thể không kể đến những nỗ lực thanh lọc thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu… Chưa bao giờ những vi phạm trên các thị trường này bị xử lý quyết liệt như năm 2022 – một năm biến hóa đầy khôn lường.
Và cuối cùng, nếu “năng lực phục hồi” là từ khóa của năm 2022, thì chuyên gia của ABE Academy có một gợi ý rõ ràng hơn về những gì sẽ diễn ra vào năm 2023: “Lạm phát! Suy thoái? Kiên trì.” Năm 2022 khép lại, mở ra năm 2023 với những kỳ vọng và niềm tin lớn cho các doanh nghiệp Việt: Chinh phục mọi thách thức và sẵn sàng đón nhận những thời cơ, vận hội mới.
NB Hoàng Phương | Theo Công lý & Xã hội