Chiến lược Marketing từ A đến Z cho quán Cafe
LỜI NGỎ
Marketing là khái niệm được ít quán cafe nhắc tới, đặc biệt là các quán cafe nhỏ bởi nhầm tưởng rằng hoạt động này tốn nhiều chi phí, không cần thiết và không biết bắt đầu từ đâu.
Quán cafe là mô hình kinh doanh dễ đầu tư, ngân sách không quá lớn nhưng tỷ lệ cạnh tranh vô cùng gay gắt, nhiều quán bị đánh sập sau thời gian ngắn khai trương bởi không đủ năng lực vượt qua đối thủ trên cùng địa bàn, phân khúc.
Chính vì thế marketing sẽ là vũ khí sắc bén nhất để quán cafe thu hút khách hàng, giành chiến thắng trước những đối thủ cạnh tranh nặng ký.
Ở Ebook này HocCEO.com sẽ chỉ ra cho bạn quy trình làm marketing cho quán cafe từ A đến Z, giúp bạn sống sót, xây dựng thương hiệu, tăng trưởng doanh thu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đầy biến động.
CHƯƠNG 1: NGHIÊN CỨU VÀ CHUẨN BỊ
1. Nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là khâu vô cùng quan trọng trước khi bắt tay vào kinh doanh quán cafe bởi chỉ khi bạn biết mình là ai, đối thủ của mình mạnh ở điểm nào, vị thế ra sao thì mới có thể vạch rõ các hành động tiếp theo để ứng phó, vượt qua, chiếm thị phần.
Tuy nhiên nếu bạn chỉ là người tay ngang không có kinh nghiệm nghiên cứu thị trường thì có thể tham khảo các bước sau đây
1.1 Thị trường kinh doanh cafe
Đây là những đánh giá tổng quan về xu hướng phát triển lĩnh vực kinh doanh quán cafe trên cả nước, những con số thống kê cụ thể về số lượng mở ra mỗi năm, tỷ lệ thành công, số vốn trung bình, mô hình được yêu thích….Từ đó có thể thấy được tiềm năng và tính khả thi khi đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời nếu bạn phân tích kỹ thì thậm chí có thể tìm thấy mô hình ngách mà mình có thể tìm kiếm cơ hội đứng đầu thị trường trong đó, giảm thiểu đối thủ cạnh trăng và tăng tỷ lệ thành công
Dưới đây là một số phân tích mới nhất về thị trường kinh doanh quán cafe mà HocCEO.com thu thập được từ cuối năm 2020. Hãy tham khảo thêm nhé:
- Trung bình số quán cafe mới mở mỗi năm: 2000
- Tỷ lệ đóng cửa sau 3 tháng khai trương: 27%
- 10 tỉnh/thành phố nhiều quán cafe nhất hiện nay: TP.HCM (13.252), Hà Nội (6.072), Đà Nẵng (2.099), Cần Thơ (1.857), Đồng Nai (1.521), Huế (1.493), Hải Phòng (1.281), Bình Dương (1.073), Khánh Hòa (992), Lâm Đồng (992).
Những quận tại TP. HCM nhiều quán cafe nhất: Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Quận 1, Tân Phú, Quận 7, Thủ Đức, Quận 10, Quận 3, Phú Nhuận. Những quận tại Hà Nội nhiều quán cafe nhất: Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Số vốn trung bình để mở một quán cafe:
- Quán cafe nhỏ (Diện tích từ 30m2 đến 50m2, một tầng): 50 triệu đến 100 triệu.
- Quán cafe trung bình (Diện tích từ 50m2 đến 70m2, một tầng): 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
- Quán cafe lớn (Diện tích từ 70m2 đến 500m2, nhiều tầng): 300 triệu đồng tới 2 tỷ
Những mô hình quán cafe hot hiện nay: Cafe cóc, cafe sân vườn, cafe acoustics, cafe vintage…..Bạn nên đến quán trải nghiệm nhiều lần để học hỏi kinh nghiệm nhé.
1.2 Thị trường khu vực
Khi phân tích thị trường khu vực bạn cần xác định được quán của mình nằm tại đâu, có địa chỉ cụ thể càng tốt bởi các yếu tố mà bạn cần quan tâm là mật độ dân số, thu nhập trung bình của người dân, tình trạng giao thông, sở thích, xu hướng của cư dân, đối tượng mục tiêu mà quán của bạn đang hướng tới. Hoặc nếu bạn đã vận hành quán một thời gian thì hãy tập trung vào thông tin thói quen, sở thích của khách vãng lại hoặc chính khách hàng của mình. Dựa vào đó để lên các chương trình marketing phù hợp.
Ví dụ quán của bạn đặt tại khu vực gần các chung cư cao cấp, trình độ dân số cao, người dân có xu hướng dạo bộ vào buổi sáng từ 6h đến 7h thì bạn có thể tổ chức các hoạt động phát tờ rơi, tặng cafe sáng vào khung giờ này, khá hiệu quả. Một tấm gương điển hình là thương hiệu cafe Highland đã tận dụng lợi thế quán
đặt tại các vị trí đắc địa, đông dân cư, dân văn phòng nên đã tổ chức các xe bán hàng lưu động để tiếp cận với tập khách hàng bận rộn không có thời gian vào quán, họ có thể nhanh chóng mua một cốc cafe thơm ngon cho buổi sáng làm việc nhiều năng lượng.
2. Xác định tập khách hàng mục tiêu
Nhiều quán cafe mở ra với mục tiêu bán cho “tất cả mọi người”. Đây là quan điểm sai lầm bởi những quán cafe đông giới trẻ sẽ khó thu hút người lớn tuổi, quán cafe bóng đá sẽ chỉ có lác đác bóng phụ nữ ghé qua….
Chính vì thế cần xác định rõ đối tượng mục tiêu để thiết kế các chương trình marketing đánh đúng trọng tâm, tiết kiệm chi phí mà hiệu quả nhất nhé. Tránh trường hợp tung ra các hoạt động thu hút khách hàng nhưng quá dàn trải, không tập trung vào đối tượng cụ thể khiến chủ quán mất nhiều tiền bạc mà hiệu quả thấp.
Một số câu hỏi bạn cần đặt ra khi xác định khách hàng mục tiêu là:
- Khách hàng mục tiêu là ai?: Giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân. Khách hàng đến quán cafe khi nào?: Buổi sáng, buổi tối, giờ nghỉ trưa, ban đêm.
- Khách hàng đến quán cafe với ai?: Đi một mình, với đồng nghiệp, với bạn bè, với người thân, với người yêu….
- Mục đích tới quán cafe của khách hàng là gì?: Thưởng thức đồ uống, thư giãn, chụp ảnh, trò chuyện cùng bạn bè, trao đổi công việc. Hãy xếp thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới để nắm rõ chính xác nhất nhé.
- Thu nhập của khách hàng mục tiêu ở khoảng nào?
- Khách hàng mục tiêu tới quán cafe bao nhiêu lần 1 tuần?
- Khách hàng yêu thích đồ uống như thế nào?: Đồ uống tốt cho sức khỏe, đồ uống đẹp mắt, cafe chất, thay đổi sở thích đồ uống liên tục.
- Khách hàng yêu thích không gian quán cafe như thế nào?: Ngồi ngoài trời, không gian quán nhiều cây xanh, không gian quán nhiều góc sống ảo, không gian quán sang trọng….
Hãy trả lời hết những câu hỏi trên đây để hiểu hơn về khách hàng mục tiêu của mình, đưa ra các chương trình marketing phù hợp với họ nhé.
3. Định vị của cửa hàng
Ngày từ khi mở quán bạn đã cần xác định rõ quán của mình nằm ở phân khúc nào, dựa vào đối tượng khách hàng mục tiêu để phân tích rõ ràng nhé. Ở bước này bạn cần tiếp tục trả lời các câu hỏi sau?
- Quán cafe thuộc mô hình nào: Cafe vintage, cafe sân vườn, quán cafe hiện đại, cafe thú cưng, hoặc là mô hình kết hợp giữa những phong cách nào…
- Quán cafe thuộc phân khúc giá nào: Giá cao, giá rẻ, giá trung bình
- Đồ uống tại quán tập trung vào loại nào: Đa dạng loại nào cũng có, tập trung vào cafe, thức uống tốt cho sức khỏe, thức uống đẹp mắt, thức uống độc lạ…
Sau khi trả lời các câu hỏi này, bạn đã xác định được phân khúc quán của mình ở vị trí nào, ví dụ là quán cafe sân vườn với mức giá cao, tập trung vào đồ uống tốt cho sức khỏe.
Chỉ như vậy bạn mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng mục tiêu, đưa ra các chương trình marketing làm nổi bật ưu điểm, đặc điểm của phân khúc mà bạn đang hướng tới.
4. Nghiên cứu đối thủ
Đối thủ cạnh tranh tác động trực tiếp tới tình hình kinh doanh của bạn thế nên để vượt qua họ bạn cần hiểu họ là ai, điểm mạnh là gì, điểm yếu là gì và vạch rõ từng bước để giành chiến thắng.
Đối thủ cạnh tranh là những quán cafe có cùng phân khúc kinh doanh với bạn hoặc chiếm đa số điểm tương đồng với mô hình kinh doanh của bạn như loại đồ uống, không gian quán, vị trí, mức giá. Đồng thời những quán này đang hướng tới cùng đối tượng mục tiêu của bạn, trong cùng một khu vực.
Chính vì thế khi phân tích yếu tố đầu tiên bạn cần xác định là hiện có tổng bao nhiêu đối thủ cạnh tranh, ưu điểm của từng quán là gì, nguyên nhân khách hàng ghé tới quán là gì và tình hình kinh doanh của họ ra sao.
Cách tốt nhất là hãy tới trực tiếp sử dụng dịch vụ của đối thủ cạnh tranh, trải nghiệm hết menu, quan sát cách vận hành quán, quan sát phương thức marketing và tự rút ra phân tích cho mình.
5. Nghiên cứu sản phẩm
Ở bước nghiên cứu sản phẩm bạn cần tính toán tỷ lệ lợi nhuận trên từng món, xác định sản phẩm chính, phụ, sản phẩm nào đang hot và được bán chạy tại quán của đối thủ để tự lên menu cho mình nhé.
Sản phẩm chính của quán cafe thường là các món đồ uống có tỷ lệ lợi nhuận cao, phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu và có công thức pha chế phù hợp với cơ sở vật chất, năng lực của quán. Tuy nhiên các sản phẩm chính cũng có thể thay đổi theo từng giai đoạn như phụ thuộc vào mùa, xu hướng thị trường, biến động giá nguyên liệu. Ví dụ vào mùa hè thì sản phẩm chính là cafe cốt dừa thì sang tới mùa đông sẽ phải thay bằng cafe sữa nóng để phù hợp với thời tiết. Như vậy những chương trình marketing trong từng thời điểm sẽ nhắm tới các sản phẩm chính để tăng trưởng doanh thu nhanh hơn.
Hơn nữa bạn cũng có thể xác định món chính dựa theo đồ uống bán chạy tại cửa hàng của đối thủ, tuy nhiên chỉ nên áp dụng cách này khi đã nắm rõ công thức pha chế, tìm hiểu nguyên nhân tại sao khách hàng chọn món đó và các yếu tố khác như giá cả, tỷ lệ lợi nhuận, những cách để tạo lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, quán của bạn cũng cần liên tục cập nhật các món đang hot trên thị trường vào menu để đón đầu xu hướng, thu hút lượng lớn khách hàng trong khoảng thời gian nhất định.
6. Xác định kênh bán hàng
Nhiều chủ quán cho rằng càng mở rộng nhiều kênh bán hàng càng tốt bởi sẽ tiếp cận lượng lớn khách hàng mục tiêu, tăng doanh thu. Tuy nhiên nếu bạn không đầu tư bài bản, đầu tư nhiều nhưng hời hợt thì sẽ nhận trái đắng vô cùng lớn. Cụ thể hơn, bạn cần xác định rõ kênh bán hàng trọng tâm của mình và các kênh phụ bổ trợ để tăng chất lượng dịch vụ và có thêm doanh thu. Ví dụ bạn đình hình bán chủ yếu tại quán thì các chương trình marketing sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng sử dụng trực tiếp, đầu tư nhiều chi phí tiếp thị hơn vào kênh bán này.
Ngoài ra những kênh phụ như bán hàng online, bán trên app giao đồ ăn sẽ được chăm sóc định kỳ bằng các nội dung mới, chính sách giá mới, chương trình ưu đãi nhỏ. Nhờ vậy mà sau một tháng, quý bạn có thể đánh giá hiệu quả của từng kênh một cách rõ ràng, có thể thay đổi chiến lược marketing sao cho đạt mục tiêu nhanh nhất
7. Chính sách giá
Chính sách giá phụ thuộc phần lớn vào phân khúc bạn đã xác định trước đó, ví dụ nếu quán của bạn phân khúc ở mức giá thấp thì chính sách giá cũng cần đưa ra tương ứng với các combo giá rẻ hoặc đưa ra nhiều gợi ý đồ uống với mức giá thấp cho người dùng lựa chọn bên cạnh các sản phẩm mức giá trung bình hoặc cao khác.
Ngoài ra, quán cũng nên có thêm các sản phẩm hấp dẫn với giá rẻ hơn trên thị trường để lôi kéo khách hàng tới quán, nhờ vậy họ có thể sử dụng thêm các sản phẩm chính khác trong quá trình ở lại. Một ví dụ điển hình là thương hiệu gà rán KFC đã thu hút khách hàng tới quán bằng các sản phẩm phụ giá rẻ như kem 5k, nhiều người lựa chọn tới KFC chỉ đơn giản vì kem ở đây rẻ hơn và chất lượng gà tương tự các đối thủ cạnh tranh còn lại.
Hơn nữa với những sản phẩm mà quán có thế mạnh về công thức pha chế, chất lượng tốt hơn đối thủ thì có thể đặt mức giá cao để tăng tỷ lệ lợi nhuận nhé.
8. Phân bổ ngân sách marketing
Đây là bước vô cùng quan trọng bạn cần phân bổ ngay sau khi xác định được các kênh marketing sẽ triển khai cụ thể. Đồng thời phân chia ngân sách tập trung vào những kênh trọng yếu, kết hợp các kênh phụ để mang lại hiệu quả cao nhất.
Ví dụ nếu quán của bạn mục tiêu hướng tới đối tượng dân văn phòng, có thói quen đi cafe vào buổi sáng, trưa, đi đông người thì bạn cần tập trung mạnh vào kênh quảng cáo offline như phát tờ rơi, căng băng rôn, bảng hiệu ngay từ những ngày đầu khai trương. Đồng thời phân bổ một lượng nhỏ ngân sách cho quảng cáo trên facebook, các hội nhóm tập trung dân văn phòng, giới thiệu quán qua các hình ảnh hấp dẫn.
Ngoài ra, bạn cũng cần để ra một phần ngân sách dự phòng cho các trường hợp cần đầu tư ngay để bắt kịp xu hướng mới, nhanh chóng tận dụng cơ hội tăng doanh thu thay vì phải chờ đợi xoay vốn.
CHƯƠNG 2: NHỮNG KÊNH MARKETING HIỆU QUẢ CHO QUÁN CAFE
1. Kênh mạng xã hội
Quảng cáo, marketing trên mạng xã hội đang là trào lưu nhiều quán cafe đang hướng đến để thu hút khách hàng, tăng độ nhận biết thương hiệu, tăng trưởng doanh thu. Nguyên nhân là do tốc độ lan truyền thông tin, hình ảnh qua kênh này vô cùng nhanh, mạnh mẽ, chỉ cần nội dung hấp dẫn, độc đáo, hình ảnh bắt mắt là đã có thể tiếp cận hàng ngàn người trong vòng ít phút. Hơn nữa đối tượng sử dụng mạng xã hội chủ yếu là giới trẻ, độ tuổi từ 20 đến 35 nên tương đồng với đối tượng khách hàng mục tiêu của các quán cafe, tạo cơ hội kinh doanh lớn cho bạn.
Các bước bạn cần làm để marketing quán cafe trên mạng xã hội như sau:
B1: CHUẨN BỊ HÌNH ẢNH
Hình ảnh là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của một quán cafe bởi với những người chưa từng được thưởng thức qua đồ uống, trải nghiệm không gian quán của bạn thì họ chỉ có thể đánh giá dựa trên hình ảnh, nội dung mà thôi.
Chính vì thế kể cả chưa đến ngày khai trương bạn cũng hãy chuẩn bị sẵn các hình ảnh chụp đồ uống, chụp không gian quán, menu một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn nhất nhé. Nếu có thể hãy thuê thợ ảnh chuyên nghiệp để cho ra những bức ảnh sắc nét, tôn nên nét độc đáo cho quán, bạn cũng có thể sử dụng các hình ảnh này trong suốt quá trình marketing của mình.
Đồng thời trong quá trình hoạt động bạn cũng nên thường xuyên chụp lại hình ảnh quán lúc đông khách, những giây phút vui vẻ của khách hàng tại quán để làm tư liệu cho các bài đăng trên mạng xã hội
Một gợi ý nhỏ đó là hãy search địa chỉ, tên quán, hashtag của quán trên mạng xã hội xem những ai đã checkin tại đây, chủ động ngỏ lời xin ảnh sống ảo của khách hàng đã check in và đăng lại lên fanpage, các group, nhờ đó tạo nên tính chân thực cho các nội dung marketing của mình, tạo hiệu ứng thu hút cực tốt.
Lưu ý khác là vì hình ảnh được dùng cho mạng xã hội nên cần có kích thước phù hợp, ví dụ facebook ưu tiên hiển thị trọn vẹn những hình ảnh có kích thước vuông, hình chữ nhật, không nên chụp ảnh dọc để sử dụng trong trường hợp này.
B2: CHUẨN BỊ NỘI DUNG
Nội dung marketing luôn là yếu tố quan trọng tạo sức thuyết phục, cái hồn choquán của bạn. Qua lời viết khách hàng có thể dễ dàng hình dung ra cảm xúc mình sắp nhận được khi ghé tới quán, có thể là đôi chút thư giãn, chill chill một mình, phút giây vui vẻ cùng bạn bè hay hạnh phúc cùng người thương. Chính vì thế hãy dành hết tâm huyết chuẩn bị nội dung marketing, giới thiệu quán thật tốt để khách hàng dễ dàng liên tưởng, có tâm lý muốn trải nghiệm và khám phá nhé.
- Chuẩn bị nội dung cho đồ uống mới ra mắt
Một lưu ý nhỏ đó là với những món đồ uống mới bạn cũng nên chuẩn bị riêng phần nội dung mô tả sao cho thật hấp dẫn, giúp khách hàng dễ dàng cảm nhận hương thơm, mùi vị qua từng câu chữ nhé. Ví dụ nếu quán của bạn mới ra một món đồ uống có phủ trứng và kem cheese thơm ngậy thì đối tượng dễ bị thu hút sẽ là các bạn trẻ yêu đồ ngọt, thích những món beo béo, không lo tăng cân và có thể uống nhiều lần trong tuần. Chính vì thế trong lời giới thiệu cần miêu tả nổi bật đặc điểm hương vị này, khiến người đọc muốn thử ngay lập tức.
- Chuẩn bị nội dung cho đồ uống đắt hàng
Với những món đồ uống đang được nhiều người ưa chuộng tại quán, khi miêu tả bạn hãy tập trung vào những lý do tại sao nó hấp dẫn đến thế, người uống yêu nó ở điểm nào, càng cụ thể càng có sức hút với khách hàng.
- Chuẩn bị nội dung cho đồ uống theo trend
Chắc hẳn trong quá trình hoạt động quán của bạn sẽ đôi lần cho ra các loại đồ uống bắt trend mới nổi như bia úp ngược, cafe bọt biển….Khi viết nội dung miêu tả, giới thiệu đồ uống này hãy đừng chỉ tập trung vào những điểm nổi bật mà ai cũng biết. Cố gắng tìm ra điểm khác biệt trong sản phẩm và nhấn mạnh vào nó sẽ khiến quán của bạn trở nên thu hút hơn
- Chuẩn bị nội dung cho chương trình khuyến mại
Với những chương trình khuyến mãi bạn không nên viết nội dung quá dài dòng, lan man, hãy tập trung vào dòng tiêu đề thật hấp dẫn, đồng thời là nổi bật những lợi ích, ưu đãi khách hàng nhận được khi tới quán. Nhờ vậy mà người đọc dễ bị thu hút và khó thể bỏ qua, họ cũng dễ chụp lại màn hình toàn bộ chương trình khuyến mãi để gửi cho bạn bè, share cho hội nhóm rủ cùng đi.
Trên mạng xã hội những nội dung độc lạ, ngắn gọn luôn có sức hút mãnh liệt, chính vì thế nếu bạn không rành về mảng chữ nghĩa thì hãy thuê một đội chuyên sản xuất nội dung cho mình, hứa hẹn mang lại hiệu quả đầu tư vô cùng lớn.
Một ví dụ điển hình cho khả năng sử dụng nội dung chinh phục khách hàng đó là case study đến từ thương hiệu Cộng Cafe nổi tiếng. Để chinh phục thị trường Hàn Quốc, một đất nước có tốc độ phát triển công nghệ, mạng xã hội đứng nhất nhì thế giới, Cộng Cafe đã tiếp cận người dùng qua kênh Social Media, cụ thể là Facebook. Những bài đăng trên fanpage có nội dung hấp dẫn, gần gũi, hình ảnh đẹp mắt thu hút cả người dân Việt Nam và Hàn Quốc, lượng tương tác luôn đạt mức trên mong đợi và mang về những hiệu ứng lan truyền cực hiệu quả. Nhờ chiến lược này mà Cộng Cafe đã có màn chào sân ấn tượng trên thị trường nước bạn, một đất nước được coi là khá “khó tính” và không dễ gia nhập
B3: LẬP FANPAGE FACEBOOK
Bạn có thể dễ dàng lập một fanpage miễn phí cho quán cafe của mình nên đừng ngại làm điều ngay ngay khi mở quán nhé. Một fanpage sẽ giúp bạn cập nhật những thông tin, hình ảnh mới nhất của quán, quảng bá chương trình ưu đãi và tiếp cận với nhiều khách hàng mục tiêu. Hơn nữa người dùng mạng xã hội có xu hướng tìm kiếm tên các quán cafe trên facebook thay vì trang công cụ tìm kiếm khác, tại fanpage họ sẽ biết quán này có không gian mình cần không, đồ uống ngon không, giá cả thế nào, địa chỉ ở đâu trước khi quyết định tới đó.
Chính vì thế hãy thể hiện thật tốt trên fanpage bằng những nội dung, hình ảnh đã chuẩn bị sẵn, đăng bài đều đặn mỗi tuần, gợi nhớ trong tâm trí khách hàng thường xuyên, giúp quán của bạn không bị quên lãng trước hàng loạt đối thủ cạnh tranh ngoài kia.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt đăng bài tự động theo lịch nên không mất quá nhiều thời gian quản lý, chỉ cần đặt lịch một lần là đã có thể rảnh tay cả tháng, rất tiện lợi.
Fanpage cũng là nơi tương tác với khách hàng một cách chính thức, giống như đại diện cho quán trả lời các câu hỏi mà họ đang băn khoăn như quán đóng cửa lúc mấy giờ, có được mang thú cưng đến không, có wifi mạnh không, có đồ uống nóng không, menu như thế nào… Đây cũng là cách giúp tăng tỷ lệ khách hàng tới quán sau quá trình tìm hiểu, khi được phản hồi nhanh họ sẽ cảm thấy sự nhiệt tình, thân thiện và không ngần ngại rủ bạn bè ghé qua.
Tuy nhiên để fanpage thu hút lượt like, tương tác, follow lớn bạn cần liên tục tung ra các chương trình hấp dẫn như:
- Tổ chức mini game nhận quà với điều kiện người chơi phải like, share page, bài viết trên trang cá nhân, tag bạn bè dưới phần bình luận.
- Chương trình checkin tại quán sau đó đăng lên facebook cá nhân, tag fanpage để được giảm giá.
- Cuộc thi ảnh đẹp chụp tại quán, người có lượt like, bình luận, chia sẻ nhiều nhất sẽ giành được giải thưởng.
- Tuy ngân sách tổ chức các chương trình này không quá lớn nhưng mang lại hiệu ứng tương tác cực tốt cho fanpage của bạn. Hãy cố gắng tổ chức đều đặn để khách hàng có tâm lý thường xuyên theo dõi fanpage để không bỏ lỡ các cơ hội nhận quà nhé.
B4: CHIA SẺ NỘI DUNG LÊN CÁC GROUP FACEBOOK
Group Facebook cũng là nơi giúp bạn tiếp cận tập khách hàng mục tiêu lớn, dễ dàng hiểu họ, trò chuyện cùng họ và thể hiện điểm nổi bật của mình. Với những nội dung, hình ảnh, fanpage đã chuẩn bị sẵn, bạn chỉ cần điều chỉnh đôi chút và đăng lên các group có chủ đề liên quan tới cafe như Review quán cafe, Hội thích đi cafe, Review cafe sống ảo, Hội thích sống ảo….
Những group này thường tập trung giới trẻ có cùng sở thích uống cafe, đam mê các loại đồ uống mới lạ hay chỉ đơn thuần là tìm chỗ sống ảo mỗi ngày. Thế nên nếu nội dung chạm đúng nhu cầu, sở thích thì họ sẽ không ngần ngại ghé qua, lan truyền mạnh mẽ hơn tới bạn bè của mình, nhờ đó quán của bạn cũng trở nên thu hút hơn bao giờ hết.
Lưu ý là một đám đông có sức mạnh rất lớn, hãy thật cẩn trọng về những nội dung, hình ảnh bạn đăng lên group bởi nó có thể là con dao hai lưỡi khiến quán của bạn bị gạch tên khỏi top list địa điểm họ muốn ghé qua, thậm chí bị tẩy chay. Những nội dung bạn cần tránh khi đăng lên group mạng xã hội là:
⊗ Nội dung sai sự thật
⊗ Nội dung có hàm ý đả kích, châm biếm cá nhân hoặc đối thủ cạnh tranh
⊗ Nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục
⊗ Nội dung phô trương, không có dẫn chứng
⊗ Hình ảnh qua chỉnh sửa sai sự thật
Top những group bạn có thể tham gia và marketing cho quán là:
√ Hội Review Cafe Vietnam
√ Review Quán cafe Sống Ảo
√ SÀI GÒN REVIEW – Địa Điểm Ăn Uống Sài Gòn
√ Cafe Trà Đá Vỉa Hè – Phuket
√ Hà Nội: Ăn gì? Ở đâu?
√ Hội Review đồ ăn có tâm!!!
√ ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG NGON
Đây đều là những group có số lượng thành viên đông đảo, tương tác tốt, bạn có thể tham gia ngay hôm nay để đăng bài marketing cho quán nhé.
Lấy ví dụ điển hình là bài post sau đây được đăng bởi một quán cafe mới mở tạin Hà Nội trên Group Hà Nội: Ăn gì? Ở đâu?. Với nội dung hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt, quán cafe này đã thu về tới hơn 500 lượt thích, 190 lượt bình luận, 31 lượt chia sẻ và đã tiếp cận hàng nghìn người. Tất cả công lao tạo nên hiệu ứng này đều đến từ phần nội dung thu hút. Bạn còn chờ gì mà không áp dụng ngay hôm nay.
B5: THAM GIA VÀO NHỮNG CUỘC THẢO LUẬN CÙNG CHỦ ĐỀ
Nếu bạn bắt gặp một nhóm những người đang thảo luận về chủ đề liên quan tới cafe, quán cafe trên group Facebook thì đừng quên thả nhẹ vào đó một bình luận để thu hút sự chú ý tới quán của mình. Nhiều bài đăng có tới hàng nghìn người tham gia, ít nhiều sẽ thu về cho bạn lượng khách nhất định. Đừng chỉ nói suông, hãy đính kèm hình ảnh, link fanpage của bạn để những người quan tâm có thể tìm hiểu thêm nhé.
2. Kênh diễn đàn, trang điện tử
Mặc dù diễn đàn không có sự tham gia của đông đảo đối tượng mục tiêu như mạng xã hội nhưng vì đều là những kênh miễn phí nên không ngại gì mà tận dụng để tăng doanh thu phải không nào. Bạn có thể tận dụng sẵn nội dung, hình ảnh có sẵn để đăng lại lên các diễn đàn ẩm thực, các trang review quán ăn, quán cafe như Lozi, Foody để tiếp cận nhiều khách hàng nhé. Thông thường các diễnđàn này sẽ không cho dẫn link về fanpage hay website nên bạn có thể để lại địa chỉ, tên quán, đặc điểm nhận diện quán, hình ảnh để người xem có thể dễ dàng tìm kiếm thêm thông tin trước khi quyết định ghé qua nhé.
Hơn nữa nhiều diễn đàn có chức năng chia sẻ nên bạn có thể tận dụng chia sẻ tới các trang mạng xã hội, việc đưa một bài viết từ diễn đàn cũng thể hiện sự tin cậy hơn các bài đăng thông thường.
Một số diễn đàn, trang điện tử bạn có thể tham khảo là:
Địa điểm ăn uống | VFO.VN
Diendanamthuc.com.vn
www.hoiquanbancau.vn
www.webtretho.com
Ngoài ra, nếu bạn có nhiều ngân sách cho marketing thì có thể đầu tư một khoản nhỏ để được đăng bài trên các trang báo, website có lượng truy cập lớn như Top List, Kênh 14, Báo Tuổi Trẻ, amthuccotruyen.com, Hội Ẩm Thực…Chỉ sau ít ngày chắc chắn lượng truy cập vào website, fanpage của bạn sẽ tăng đột biến, thậm chí tạo lượng doanh thu lớn nếu bài viết đủ hấp dẫn và tiếp cận nhiều người.
3. Kênh Website
Hiện nay việc tạo một website không hề khó, chỉ với vài triệu là bạn đã sở hữu trang web cho riêng mình. Đây là kênh cung cấp các thông tin chính thống về quán, giúp bạn bán hàng online và tiếp cận lượng khách hàng lớn qua SEO, chạy quảng cáo Google, Facebook
Nội dung trên website thường là các thông tin giới thiệu về quán, hình ảnh đồ uống, menu, giá cả, chính sách bán hàng, cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm, các chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Tất cả đều được tổng hợp, tập trung trên 1 website nên khi truy cập vào khách hàng có thể nắm được toàn bộ thông tin, đặt đồ uống online hoặc mua cafe đóng gói, bánh, các sản phẩm mà quán đang bán.
B1: XÂY DỰNG WEBSITE
Trước khi xây dựng website bạn cần xác định rõ các yêu cầu của mình như: Website có những trang nào?: Trang chủ, giới thiệu quán, danh mục đồ uống, danh mục sản phẩm khác, thông tin liên hệ, blog, chương trình ưu đãi, tuyển dụng… Website thiết kế theo phong cách nào?: Hiện đại, cổ điển, tươi mới, đơn giản, dễ sử dụng
Chỉ như vậy người thiết kế mới có thể tư vấn cho bạn gói xây dựng website sát với nhu cầu với mức giá phù hợp nhất. Bên cạnh đó bạn còn cần chọn cho mình một tên miền dễ đọc, dễ nhớ để khách hàng dễ dàng truy cập khi cần nhé.
B2: CHUẨN BỊ NỘI DUNG VÀ HÌNH ẢNH
Nội dung đăng lên website sẽ khác với mạng xã hội ở chỗ nó chi tiết hơn, cụ thể hơn, mục tiêu cung cấp thông tin đầy đủ thay vì thu hút ai đó lướt qua bài đăng trên facebook. Chính vì thế bạn không thể sử dụng chung nội dung website với mạng xã hội, cần chuẩn bị sẵn những bài viết mang tính chất cụ thể hơn để thu hút khách hàng.
Nhiều quán cafe “trang hoàng” cho website của mình bằng những hình ảnh quán, đồ uống, nhân viên, menu vô cùng hấp dẫn, thêm vào đó là kho blog với những nội dung giá trị, thu hút lượng truy cập lớn mỗi tháng, đồng thời tạo doanh thu cho quán từ chính kênh bán hàng online này.
B3: ĐĂNG NỘI DUNG, CẬP NHẬT THƯỜNG XUYÊN, TỐI ƯU SEO
Việc cập nhật thông tin đồ uống, giá cả, chính sách ưu đãi, bài blog thường xuyên trên website sẽ khiến khách hàng không cảm thấy nhàm chán mỗi lần truy cập. Đồng thời bạn cũng nên tối ưu nội dung theo các tiêu chuẩn seo để website được ưu tiên trên công cụ tìm kiếm, tiếp cận nhiều khách hàng thường xuyên hơn. Nếu bạn xác định website là một trong những kênh bán hàng online trong yếu của mình thì nên thuê một vài nhân sự chuyên quản lý website để đảm bảo nội dung luôn được tối ưu, cập nhật mới thường xuyên nhé.
B4: GẮN LINK WEBSITE Ở BẤT KỲ ĐÂU CÓ KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU
Trong mỗi bài đăng trên mạng xã hội, trên fanpage, trên youtube hay trang cá nhân bạn đều nên gắn thêm link website của mình. Ở bất cứ đâu có khách hàng là đều có cơ hội thu hút họ vào website, chọn mua sản phẩm hoặc đơn giản là biết tới quán của bạn thông qua những thông tin hấp dẫn tại đây
The Coffee House là thương hiệu nổi tiếng với các chiến lược marketing hiệu quả, đồng bộ xuyên suốt từ ngày thành lập đến bây giờ. Một trong những đóng góp tới từ website được chăm chút bài bản, nội dung thú vị, hình ảnh hấp dẫn giúp thương hiệu này tăng trưởng mạnh doanh thu mà không cần tới các app giao đồ ăn như Grabfood, Baemin, Nowfood…Chỉ đến đầu tháng 5/2021 The Coffee House mới chính thức bước chân vào cuộc đua trên các nền tảng giao hàng trực tuyến.
4. Marketing tại điểm bán
Điểm bán là nơi khách hàng trực tiếp trải nghiệm, đánh giá, lưu giữ và chia sẻ nên không thể bỏ qua kênh này trong kế hoạch marketing của mình. Marketing tại điểm bán không những giúp thu hút khách hàng vãng lai mà còn giúp quán xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng. Việc bạn cần làm là chuẩn bị những băng rôn, bảng biểu thiết kế đẹp mắt, thể hiện phong cách của quán để thu hút những khách hàng ghé qua, đồng thời như một điểm nhấn khiến họ có xu hướng muốn chụp ảnh lại, check in sống ảo và chia sẻ lên mạng xã hội.
Điều quan trọng nhất khi làm marketing tại điểm bán đó là khâu thiết kế, phần thiết kế phải phù hợp với phong cách của quán, làm nổi bật thông điệp muốn truyền tải, hợp gu khách hàng mục tiêu thì mới có thể tạo hiệu ứng tương tác lớn. Rất nhiều quán cafe thu hút hàng trăm lượt khách ngày khai trương vì khâu thiết kế bảng biển, standee quá hấp dẫn, họ không những muốn vào thưởng thức đồ uống mới lạ mà còn muốn chụp những bức ảnh đẹp cho riêng mình.
Vì lượng khách ghé tới quán trong những ngày này thường rất đông nên nếu không ghi chép, lưu trữ được thông tin khách hàng thì vô cùng lãng phí. Chính vì thế hãy sử dụng phần mềm quản lý quán cafe để dễ dàng ghi lại thông tin khách hàng như số điện thoại, tên theo từng order, dựa vào những dữ liệu này để làm cơ sở cho hoạt động marketing tiếp theo.
Ngoài ra, hiện nay nhiều quán cafe còn lắp thêm camera đếm người, nhận diện khuôn mặt để sớm phát hiện khách quen tới quán. Hơn cả các dòng camera này còn có chức năng nhận biết độ tuổi, giới tính nên giúp bạn dễ dàng phân tích nhân khẩu học khách hàng, hỗ trợ các chương trình marketing hiệu quả hơn
Nhiều cửa hàng ban đầu định vị đối tượng mục tiêu ở độ tuổi 15 tới 25, chủ yếu là phái nữ nhưng thực tế cho thấy khách hàng chiếm phần lớn lại là nam giới, độ tuổi 25 tới 35, họ ghé tới quán vì các món cafe đậm đặc và để bàn bạc công việc.
CHƯƠNG 3: NHỮNG CHIẾN LƯỢC MARKETING CHO QUÁN CAFE
1. Tạo ra điểm khác biệt
Marketing từ những điều khác biệt luôn mang lại hiệu quả cao, giúp bạn tiết kiệm chi phí có thể khai thác trong thời gian dài. Những yếu tố khác biệt có thể ở không gian quán, đồ uống, dịch vụ cho tới giá, chỉ cần để lại sự ấn tượng cho khách hàng là đã thành công một phần. Cùng đi sâu vào phân tích và xem nên ứng dụng những yếu tố này vào marketing cho hiệu quả nhé.
1.1 Không gian quán
Không gian quán cafe ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của khách hàng, một không gian độc đáo sẽ thu hút họ ghé qua quán để khám phá và tìm hiểu. Bên cạnh những cách tạo sự khác biệt qua trang trí, tạo background chụp ảnh thì bạn cũng có thể cập nhật những xu hướng mới cho chính không gian của mình. Ví dụ gần đến dịp noel bạn có thể trang trí quán với cây thông, bông tuyết và khiến khách hàng như mình được trở về tuổi thơ, trở thành những đứa trẻ háo hức nhận quà đêm giáng sinh. Những món quà nho nhỏ nhưng độc đáo sẽ khiến họ không ngần ngại chụp lại làm kỷ niệm và chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội, từ đó quán của bạn cũng được biết tới nhiều hơn thông qua kênh này.
Tấm gương điển hình trong việc khai thác sự khác biệt từ không gian quán để quảng bá thương hiệu đó là Trill Rooftop Coffee. Đây là quán cafe cực chill thu hút giới trẻ Hà Nội nhờ vị trí đặt trên sân thượng của tòa nhà 26 tầng. Khi đến đây khách hàng không chỉ được thưởng thức đồ uống ngon, trải nghiệm dịch vụ tốt mà còn được thư giãn với view ngắm trọn thành phố, gió mát, cảnh đẹp, không ai có thể chối từ. Ngoài ra Trill còn liên tục thay đổi cách decor theo từng mùa, trong các dịp lễ Noel, Quốc Khánh, Tết…để tạo sự mới lạ và thu hút khách hàng check in tại quán, tăng hiệu quả lan truyền trên mạng xã hội. Có thể vì thế mà dù tối thứ hai hay chủ nhật, ngày mưa hay nắng quán vẫn đông nghịt khách, nếu đến muộn có thể phải ngậm ngùi đi về.
1.2 Đồ uống khác biệt
Đồ uống cũng là yếu tố tác động trực tiếp tới trải nghiệm khách hàng, không chỉ ở mùi vị mà còn cách trình bày, trang trí sao cho đẹp mắt và hấp dẫn. Nhiều món đồ uống rất bán chạy tại các quán cafe một phần nhờ cách trình bày khác biệt, khiến khách hàng cảm thấy thích thú, muốn trải nghiệm, muốn cùng bạn bè bàn tán, phân tích, tranh luận về nó trên mọi khía cạnh. Nhờ đó quán của bạn được chú ý nhiều hơn, có cơ hội tăng trưởng doanh thu vượt bậc.
Ngoài ra nếu quán của bạn là nơi khai sinh ra loại đồ uống này thì đừng quên đặt tên món gắn liền với tên quán nhé. Bởi kể cả khi những nơi khác bắt chước theo thì cũng khách hàng cũng vẫn luôn nhớ tới thương hiệu của bạn.
Việc sáng tạo ra một thức uống mang xu hướng mới là điều không dễ dàng, bạn hãy cứ liên tục tìm tòi, học học từ những những khác, vùng miền khác để tìm ý tưởng cho mình nhé.
1.3 Dịch vụ khác biệt
Rất nhiều khách hàng tìm tới quán cafe thân thuộc bởi vì ở đó mang lại cho họ dịch vụ khác biệt, có thể thể hiện qua các order đồ uống, cách nhân viên quan tâm tới khách hàng hay cách chủ quán liên tục cho ra những dịch vụ chăm sóc mới. Hãy suy nghĩ xem quán của mình bên cạnh phục vụ đồ uống thì còn có thể làm gì khác cho khách hàng nữa nhé.
Ví dụ một số quán hiện nay nắm bắt được tâm lý khách hàng đi chơi theo nhóm nhưng không có thợ nháy, nên đôi khi những bức ảnh chụp thiếu một vài thành viên. Chính vì thế quán đã cung cấp các chân máy ảnh, chân kẹp điện thoại miễn phí giúp khách hàng có thể tự tin chụp nhóm mà không cần nhờ tới bất kỳ ai.
Thậm chí nhiều quán còn đầu tư điện thoại xịn cho nhân viên để đảm bảo luôn có những bức hình đẹp nhất cho khách hàng, qua đó còn có thể xin số điện thoại, zalo khách hàng để chuyển ảnh, làm dữ liệu cho các chương trình marketing lần sau.
2. Bắt kịp xu hướng mới
Các chương trình marketing thông qua xu hướng mới nổi tuy không thể áp dụng trường kỳ nhưng chắc chắn sẽ đem về những hiệu quả nhất định. Đặc biệt là khi bạn ứng dụng nó sớm nhất có thể, gần như dẫn đầu, đảm bảo thu về doanh số khủng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi đi theo xu hướng bạn vẫn cần đảm bảo giữ được chất riêng cho mình, ví dụ quán cafe theo phong cách vintage không thể thay đổi 180 độ thành một không gian hiện đại, cá tính chỉ vì muốn theo đuổi xu hướng.
Hãy giữ lại những giá trị cốt lõi muốn mang đến cho khách hàng để họ dễ dàng phân biệt quán của bạn so với những cái tên khác, đồng thời có thể quay trở lại thành chính mình sau mỗi xu hướng qua đi, sẵn sàng tiếp tục chào đón một trend mới.
3. Sử dụng chương trình khuyến mại
Chương trình khuyến mại là phương thức marketing quen thuộc với nhiều quán cafe. Tuy nhiên không phải ai cũng biết ứng dụng hiệu quả, quảng bá hình ảnh và thu về doanh số khủng. Trước khi bắt đầu một chương trình khuyến mãi bạn cần tính toán cẩn thận chi phí, doanh số, lợi nhuận, cách thực hiện từng bước, các phương án dự trù để đảm bảo không xảy ra các rủi ro khó kiểm soát nhé.
CHƯƠNG 4: GỢI Ý MARKETING CHO QUÁN CAFE MỚI MỞ CHỈ VỚI 15 TRIỆU
Dưới đây là những kinh nghiệm marketing cho quán cafe từ A đến Z cho bạn tham khảo và áp dụng ngay hôm nay. Hãy đi từng bước một từ khâu xác định khách hàng mục tiêu, xây dựng nội dung, hình ảnh để đảm bảo luôn đạt hiệu quả cao nhất nhé.
KÊNH | HOẠT ĐỘNG | CHI PHÍ |
Fanpage
Group Facebook: Chia sẻ hình ảnh đồ uống, menu, không gian quán, giới thiệu quán trên các group chủ đề ăn uống. |
0 vnđ | |
Chạy quảng cáo facebook giới thiệu quán khai trương | 10,000,000 vnđ | |
Diễn đàn, trang điện tử | Chia sẻ hình ảnh đồ uống, menu, địa chỉ, review quán lên các diễn đàn chủ đề ăn uống, trang điện từ như Lozi, Foody | 0 vnđ |
Marketing tại điểm bán | Băng rôn quảng cáo / Số lượng: 1 | 700,000 vnđ |
Standee Số lượng: 1 |
600,000 vnđ | |
Tờ rơi Số lượng: 500 Nhân viên phát tờ rơi: 2 |
1,500,000 vnđ | |
Voucher cho khách quay lại lần sau Số lượng: 100 |
200,000 vnđ | |
Chi phí thuê wifi tiếp cận khách vãng lai |
200,000 vnđ | |
Wifi marketing | Chi phí thuê wifi tiếp cận khách vãng lai | 2,000,000 |
Tổng | 15,000,000 vnđ |
Sau mỗi chương trình marketing thành công quán của bạn sẽ có số lượng khách hàng tăng đột biến, nên ứng dụng thêm phần mềm quản lý quán cafe để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất. Phần mềm sẽ giúp bạn order tại bàn, thanh toán nhanh, quản lý tồn kho, tổng hợp báo cáo kết quả tài chính một cách rõ ràng và chính xác nhất. Nhờ vậy mà quán tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, công việc quản lý nhàn hơn, bạn có thêm thời gian suy nghĩ hoạch định những chiến lược marketing tiếp theo.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, chúc các bạn thành công!