4 Quy tắc đối nhân xử thế, nhất định bạn phải ghi nhớ
1. Quy tắc tiếng nói.
Trong quá trình giao tiếp, khả năng nói đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định tới hiệu quả giao tiếp của bạn có tốt hay là không. Có rất nhiều người muốn thể hiện sự năng nổ, thiện trí nhưng vì chọn sai cách nói chuyện dẫn, tới giao tiếp kém hiệu quả, thậm chí là xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Hãy nhớ rằng, trong giao tiếp, bạn càng cố “lên giọng” thì càng vấp phải sự phản kháng của đối phương khiến cho cuộc đối thoại rơi vào bế tắc.
Có câu chuyện như thế này, một anh chàng đang đi trên đường thì nhặt được chiếc điện thoại của ai đó làm rơi, anh ta vừa cầm nó lên thì có một cuộc điện thoại gọi tới. Anh ta liền bắt máy, nói alo thì đầu dây bên kia lập tức lớn tiếng “Anh mau nhanh chóng trả lại điện thoại cho tôi, nó có định vị để tôi có thể tìm ra và gọi công an đấy”. Anh chàng nghe xong có chút giật mình nhưng không nói câu nào ngay lập tức tắt máy, bỏ chiếc điện thoại lại chỗ cũ và rời đi. Thực chất, anh ta còn đang định mang tới đồn công an để tìm và trả cho người làm rơi, nhưng sau khi nghe điện thoại, anh ta lại thấy đó là chẳng phải trách nhiệm của mình và mặc kệ nó.
Có thể thấy, trong nhiều tình huống, lớn tiếng lại không phải là cách nói khôn ngoan, hãy tùy cơ ứng biến và nếu không cần thiết, hãy nói chuyện lịch sự nhất có thể. Hãy học cách kiểm soát tiếng nói của mình, chỉ khi đó bạn mới có thể giao tiếp hiệu quả.
2. Quy tắc nhờ vả.
Chắc hẳn ở đây nhiều bạn đã bị rơi vào trường hợp như được người khác nhờ vả nhưng không biết cách để từ chối hoặc họ cứ nài nỉ dẫn tới phải miễn cưỡng đồng ý. Kết quả là bản thân phải cố gắng, vất vả làm thay họ, thậm chí ảnh hưởng tới cả kế hoạch của bản thân. Một lần, hai lần như vậy có thể tạm cho qua nhưng nếu bạn cứ mãi không từ chối, dần dần, lần 3, lần 4, lần 5, lần 6,… họ sẽ coi đó là việc đương nhiên.
Thực sự, cuộc sống cá nhân của bất cứ ai đều có những việc phải giải quyết và phải tự tay giải quyết. Nếu vượt quá khả năng bản thân thì có thể nhờ vả người khác nhưng nhờ vả gì cũng phải có điểm dừng, đừng coi đó là đương nhiên lại trở thành lợi dụng người ta, lại khiến bản thân mình rơi vào phụ thuộc. Còn khi được người khác nhờ, cũng đừng tốt bụng đến mức cái gì cũng đồng ý, bạn còn bao nhiêu việc phải giải quyết ở đó, không thể cứ bỏ mặc chuyện của mình rồi lao đi giúp người khác được. Nếu không xem xét thật kỹ vấn đề thì đó cũng là một nguồn cơn, đem lại rắc rối và gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa cả hai bên.
3. Quy tắc định kiến.
Định kiến chính là những ý nghĩ đã được hình thành và in hằn rất sâu trong tư duy của bạn, và trong nhiều trường hợp, nó sẽ mang lại cái nhìn chủ quan, phiến diện khi bạn đánh giá và xử lý các vấn đề. Giống như Nhà triết học Schopenhauer từng nói: “Trở ngại ngăn cản con người khám phá ra sự thật chính là thành kiến mà con người đã tích lũy từ trước”.
Thật vậy, khi đối nhân xử thế, chúng ta rất dễ nhìn nhận người khác dựa một cách chủ quan do những định kiến sẵn có. Như người xưa đã có câu “Thương nhau thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng”, khi bạn đã không ưa ai đó, bạn chỉ có thể thấy điểm xấu mà không thấy được những điểm tích cực của họ, ngược lại khi thích ai, bạn lại thấy người ta chỉ toàn ưu điểm. Điều này sẽ khiến bạn đánh giá sai về con người, mà đó lại là một sai lầm cực lớn khiến bạn có nguy cơ phải trả cái giá rất đắt.
Nhìn người, hãy cố gắng nhìn theo cách khách quan nhất có thể, loại bỏ những định kiến cá nhân để có cách đối nhân xử thế thật công bằng và lịch sự. Khi làm được như vậy, bạn sẽ thấy mình cởi mở hơn, khám phá được vẻ đẹp của mỗi người, cải thiện và phát triển được những mối quan hệ.
4. Quy tắc tưởng tượng.
Có bao giờ, bạn gặp một ai đó, bạn thấy họ có những hành vi, cử chỉ làm bạn ấn tượng rồi vội tưởng tượng họ là người như này, như kia rồi kết luận luôn con người họ không? Chắc hẳn là rất nhiều người bị như thế. Hoặc trong một tình huống của người khác, bạn quan sát cách người ta xử lý rồi bạn thấy nó sai, bạn tưởng tượng nếu là mình thì mình sẽ không làm vậy đâu. Nhưng đừng vội kết luận như thế nhé! Đó chính là quy tắc tưởng tượng.
Trong trí tưởng tượng của bạn, bạn được toàn quyền quyết định mình là người tốt, được toàn quyền đánh giá người đối diện. Nhưng đừng tin vào nó, tưởng tượng của bạn chưa chắc đã đúng và bạn cũng không hoàn hảo như bạn nghĩ đâu.
Trong một mối quan hệ, nếu chưa tiếp xúc đủ lâu, đủ đa dạng tình huống, đừng vội kết luận đối phương và đặt cho họ kỳ vọng là người như này như kia. Trí tưởng tượng đó vô tình tạo cho người ta và chính bạn một áp lực lớn mà nếu họ không thể đáp ứng, bạn sẽ thất vọng và lại đánh giá phiến diện. Cũng đừng thấy người khác xử lý tình huống không tốt mà chê bai họ, bạn không ở trong cuộc, bạn không thể hiểu hết được vấn đề, chưa chắc là bạn, bạn sẽ làm tốt hơn đâu.
Hãy nhớ rằng trong bất kỳ mối quan hệ nào, cũng đừng quá trông chờ vào đối phương, cũng đừng đặt mình ở cao hơn họ. Bạn hãy luôn ở thế chủ động đón nhận mọi tình huống xảy ra, như vậy, bạn có thể phòng ngừa rủi ro, tránh để bản thân rơi vào thế khó.