4 Quan điểm dùng người của Lãnh đạo & vai trò đặc biệt của nhân sự
Trong mỗi doanh nghiệp, nhân sự là một yếu tố cực kỳ quan trọng, là tài sản chiến lược đặc biệt để tạo nên lợi thế cạnh tranh. Nhất là trong thời đại này, khi mà mọi thông tin đều trong trạng thái mở thì nhân sự trở thành thứ tài sản gần như không thể sao chép mà người lãnh đạo cần phải quan tâm khai thác và phát triển. Nhưng mỗi người lãnh đạo doanh nghiệp họ lại có một niềm tin riêng, một quan điểm riêng về con người và cách dùng người, cụ thể như sau:
1. Quản trị chặt chẽ
Với quan điểm này, người sếp thực chất chỉ coi người cấp dưới của mình là một thứ công cụ lao động. Họ nghĩ con người đều lười biếng và không quan tâm tới lợi ích chung của tổ chức mà nếu không giám sát và quản trị chặt chẽ, nhân sự của họ sẽ không chịu làm việc. Để quản trị chỉ có một cách duy nhất là ép người ta làm, tăng chuyên môn hóa lên cực cao, trật tự rất rõ ràng và không cho họ sáng tạo.
Quản trị nhân sự theo cách này thì rất đơn giản, tuy nhiên ở xã hội hiện tại nó thật khó để đem lại hiệu quả vì bản chất nó lại quá khốc liệt. Người sếp chỉ nhìn thấy được những mặt tiêu cực trong con người mà không nhìn thấy còn rất nhiều điểm tích cực khác, họ kiểm soát mọi thứ và khiến cho nhân viên của mình mất đi cảm hứng, sáng tạo trong công việc, hiệu quả vì thế cũng không hề cao.
2. Quản trị linh hoạt
Lúc này, người lãnh đạo nhìn nhận con người bằng con mắt tích cực hơn so với quan điểm 1 nhiều. Họ hiểu rằng con người là con người chứ không phải là một thứ công cụ hay như những con vật và sai bảo, ép buộc hà khắc không phải cách hiệu quả để quản trị. Thay vào đó họ quan tâm hơn tới nhu cầu của nhân sự, đáp ứng nó và tìm cách phát triển tiềm năng con người. Nhờ vậy, những nhân viên sẽ yêu mến doanh nghiệp, yêu mến công việc và tự giác làm việc.
Với quan điểm này, nó tác động rất lớn tới nhân sự doanh nghiệp, thổi cho họ động lực và tình yêu công việc. Nhưng ngược lại nếu người lãnh đạo quá buông lỏng, rất dễ nhận lại tác dụng ngược, rất dễ bị lạm dụng khiến thái độ và chất lượng nhân sự xuống dốc nhanh chóng.
3. Quản trị hiệu quả
Trong quan điểm này, người lãnh đạo quan tâm hơn đến năng lực của nhân sự, đồng thời họ trau dồi lòng tin cho nhân viên của mình bằng sự công bằng và quyền lợi chính đáng. Từ đó nhân viên không những có thêm động lực, mà dần tin tưởng và trung thành hơn với tổ chức, doanh nghiệp và lúc này sự sáng tạo bắt đầu được sinh ra.
Nhân viên lúc này đạt được chữ “tôi”, họ có sự tin cậy dành cho doanh nghiệp, sự sáng tạo bắt đầu hiện ra và hiệu quả dần dần được nâng lên đáng kể. Nhưng nếu quản trị nhân sự theo cách này quá lâu, người ta được thỏa mãn cái tôi của mình quá mức sẽ dễ tạo ra sức ì, tự đặt cá nhân mình lên trên tổ chức, từ đó tạo hiệu quả ngược là phá hoại chính tổ chức, doanh nghiệp đó.
4. Quản trị nhân sự hiện đại
Với quan điểm này, nhà quản trị cần phải gắn được mục tiêu của nhân sự với mục tiêu doanh nghiệp. Lúc này, đội ngũ nhân viên đối với doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, linh hoạt, không phải là nhân viên phục vụ nữa mà xuất hiện cả lãnh đạo phục vụ. Người lãnh đạo không phải kiểm soát, áp đặt, thay vào đó đóng vai trò là kẻ vạch hướng đi cho nhân viên, trang bị cho nhân viên, đề cao vai trò của họ và cho phép họ tạo nguyên tắc riêng của mình.
Nhân viên lúc này chính là yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp, động cơ của họ cần phải gắn với tầm nhìn, mục tiêu dài hạn của công ty chứ không phải từ sự sợ hãi, áp đặt của “ông sếp”. Nhân sự lúc này thay đổi là để phát triển chứ không phải là bị ép buộc bất đắc dĩ, và hãy tạo cho họ cảm giác làm việc là niềm vui chứ không phải nặng nhọc. Đặt họ vào đúng vị trí, tạo cho họ cảm hứng làm việc để họ phát triển cùng tổ chức.