4 Phong cách lãnh đạo phổ biến trong Doanh nghiệp
Phong cách lãnh đạo chính là toàn bộ các nguyên tắc hay những phương pháp kết hợp cùng sự thể hiện của của nhà lãnh đạo trong công việc như thực hiện các nhiệm vụ, giám sát,… nhằm mục đích đạt được những kết quả đã đề ra khi quản lý. Đây cũng chính là cách thức tiếp cận của một nhà lãnh đạo trong việc lên các phương án chiến lược thực hiện các kế hoạch hay mong muốn tạo động lực cho nhân viên của mình.
Ngoài ra, đối với từng trường hợp khác nhau thì các nhà lãnh đạo/quản lý có thể lựa chọn sử dụng cho mình một phong cách phù hợp nhất với mỗi hoàn cảnh nhằm gia tăng hiệu quả và hiệu suất công việc. Sau đây là 04 phong cách lãnh đạo phổ biến hiện nay trong môi trường công sở:
1. Lãnh đạo chỉ đạo
Phong cách lãnh đạo chỉ đạo sẽ thường được áp dụng cho những nhân viên mới vào nghề hay với những người đang thực hiện nhiệm vụ công việc của mình chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây sẽ là phong cách mà ở đó, nhà lãnh đạo/quản lý thường phải hướng dẫn nhân viên của mình sao cho họ có thể hoàn thành công việc và nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
Không những thế, những nhà lãnh đạo theo đuổi phong cách lãnh đạo này cũng cần kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của nhân viên và đưa ra mọi quyết định liên quan đến công việc, cũng như những định hướng, chiến lược phát triển của công ty. Khi đó, cấp dưới sẽ nhận những chỉ đạo đến từ cấp trên, sau đó làm theo những gì mà cấp trên yêu cầu.
Do vậy, nếu chỉ tập trung sử dụng phong cách lãnh đạo này thì khi đó, nhà lãnh đạo/ quản lý sẽ dễ trở nên độc đoán và không có nhiều cơ hội để được tiếp xúc với chính nhân viên của mình.
2. Lãnh đạo hỗ trợ
Với phong cách lãnh đạo này, nhà lãnh đạo lúc này sẽ không chỉ đạo nhiều mà trên tinh thần là giám sát, hỗ trợ cùng nhân viên để họ có thể hoàn thành công việc của mình. Qua đó, nếu áp dụng cách thức này sẽ tạo nên một không khí làm việc vô cùng thoải mái trong doanh nghiệp. Mọi người trong một đội nhóm cũng từ đó mà có nhiều cơ hội để cùng nhau bàn luận, chia sẻ, góp ý thẳng thắn với nhau về một vấn đề đang phải đối mặt nhằm đi đến một quyết định thống nhất và hiệu quả nhất.
Phong cách lãnh đạo này thích hợp khi nhân viên là người đã có chút kinh nghiệm, tuy nhiên, họ vẫn chưa tự tin về khả năng của mình khi giải quyết một công việc nào đó.
📚 Khóa học dành cho bạn
3. Lãnh đạo tự do
Phong cách lãnh đạo này có thể áp dụng khi nhân viên đã có cho mình một năng lực nghề nghiệp nhất định. Đây chính là phong cách lãnh đạo mà người chủ ít sử dụng đến quyền lực để quản lý công việc cũng như quản lý nhân sự của chính mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người lãnh đạo sẽ cho phép nhân viên của mình có quyền tự đưa ra quyết định của họ nhưng những nhân viên này cũng sẽ là người phải chịu mọi trách nhiệm đối với quy định mà doanh nghiệp đã ban hành.
Từ đó, phong cách lãnh đạo này chỉ thích hợp khi nhân viên có năng lực, dám nghĩ dám làm và có cho mình một tầm nhìn xa trông rộng.
4. Lãnh đạo dân chủ
Phong cách lãnh đạo cuối cùng chính là phong cách mà ở đó, nhà lãnh đạo/quản lý sẽ cho phép nhân viên được tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến của riêng mình trong các buổi họp. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối cùng, nhà lãnh đạo sẽ chính là người tổng hợp, phân tích ý kiến để có thể đưa ra được quyết định cuối cùng nhằm phục vụ tốt nhất cho các nhiệm vụ được đưa ra.
Với phong cách này, nhà lãnh đạo sẽ kích thích sự hứng thú của mỗi một cá nhân trong doanh nghiệp để qua đó, họ sẽ hưởng ứng nhiệt liệt, cùng xây dựng, cùng đóng góp cho doanh nghiệp. Từ đó sẽ tạo được sự gắn kết giữa tất cả mọi người trong một tập thể, giúp các cá nhân hiểu rõ nhau hơn. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo này vẫn có nhược điểm như những phong cách khác khi sẽ xuất hiện quá nhiều ý kiến, từ đó, sẽ làm cho nhà quản lý mất nhiều thời gian suy nghĩ và không thể đưa ra một kết quả cuối cùng một cách nhanh chóng và dứt khoát.
KẾT LUẬN
Trên đây là chia sẻ về 4 phong cách lãnh đạo thông dụng nhất. Bên cạnh việc hiểu rõ bản thân, nhà quản lý cần đánh giá năng lực của nhân viên chính xác để đưa ra sự lựa chọn phong cách phù hợp trong từng tình huống