Vì sao VinSmart từ bỏ cuộc chơi smartphone, hãy nhìn vào thành công của Vsmart Live và Joy 3
Sau khi VinSmart tuyên bố dừng sản xuất smartphone và TV, lượng mua tăng vọt. Điều này cho thấy những chiếc điện thoại Vsmart mang lại giá trị rất tốt cho khách hàng. Nhưng câu hỏi thực tế đặt ra là, liệu Vsmart có thể duy trì “giá trị” nghìn tỷ này trong vòng bao lâu?
Khi Vsmart tuyên bố dừng phát triển và sản xuất smartphone, nhiều người đã phải thấy bất ngờ. Mới chỉ cách đây vài tháng, các thông tin rò rỉ còn cho biết VinSmart là một đối tác tiềm năng trong thương vụ thâu tóm mảng kinh doanh smartphone từ LG. Star 5, chiếc điện thoại mới nhất (và cũng là chiếc điện thoại cuối cùng) mang thương hiệu Vsmart, cũng vừa chỉ tròn 2 tháng tuổi đời. Quả thật, cho đến tận 1 ngày trước khi VinSmart tuyên bố từ bỏ smartphone, ai ai cũng đều nghĩ Vsmart vẫn còn một hành trình dài phía trước.
Nhưng để thực sự hiểu rõ cái khó đã khiến cho tập đoàn lớn nhất Việt Nam phải từ bỏ, có lẽ không có cách nào đơn giản hơn là nhìn lại những thành công của Vsmart.
Tuyên bố tham gia cuộc chơi hi-tech vào tháng 8/2018, chỉ 4 tháng sau đó VinGroup đã ra mắt loạt 4 chiếc smartphone đầu tiên dưới thương hiệu Vsmart: Active 1, Active 1+, Joy 1 và Joy 1+. Cả 4 chiếc điện thoại đều thể hiện tầm nhìn hướng đến người dùng bình dân khi Active 1+ có giá cao nhất cũng chỉ 6,3 triệu đồng còn Joy 1 khởi điểm chỉ từ 2,5 triệu đồng.
Bẵng đi nhiều tháng, phải đến tháng 8/2019 Vsmart mới vén màn sản phẩm tiếp theo mang tên Live. Trong 3 tháng tiếp theo, VinSmart ra mắt Bee, Joy 2+ và Star. Như vậy, 1 năm sau ngày ra mắt, VinSmart đã có tới 8 dòng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Dải sản phẩm này không đạt thành công như kỳ vọng – Vsmart không hề lên tiếng công bố doanh số, không hề “khoe” bất kỳ một cột mốc nào trong thời gian này. Phải đến khi Vsmart Live được ưu đãi giá xuống còn một nửa mức ban đầu, VinSmart mới có “tiếng vang” đầu tiên trên thị trường: trong vòng một tuần lễ, Vsmart Live “cháy hàng” trên tất cả các chuỗi bán lẻ lớn.
Trong tuyên bố chính thức vào tuần trước, đại diện VinSmart giải thích lý do ngừng sản xuất smartphone: “Việc sản xuất điện thoại hoặc ti vi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”.
Mất gần một năm kể từ ngày ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên, Vsmart loay hoay không thể tìm ra được chìa khóa thành công. Chỉ khi tìm ra công thức chiến thắng bằng những sản phẩm giá hợp lý/cấu hình mạnh, VinSmart mới có chiến thắng đầu tiên.
Tình huống tương tự lặp lại với Joy 3, chiếc smartphone lập kỷ lục khi bán hết 12.000 máy trong vòng 3 ngày đầu ra mắt nhờ sở hữu Snapdragon 632 ở mức giá chưa đến 3 triệu đồng. Với Live 4, “cú hit” cuối cùng của VinSmart (10.000 máy trong 3 ngày), chìa khóa thành công một lần nữa lại là cấu hình mạnh, màn hình AMOLED và pin lớn cho mức giá chỉ trên 4 triệu đồng.
Thành công của Vsmart, bao gồm cả “kỳ tích” lọt vào top 3 Việt Nam cách đây đúng 1 năm, đến từ nỗ lực tạo ra một sản phẩm có mức giá/cấu hình vào hàng tốt nhất, vượt qua cả điện thoại Trung Quốc – điều chưa từng có hãng nào làm được trước đó. Sau đó, các kỹ sư VinSmart đã rất nỗ lực tạo ra nhiều thành tựu, từ việc tự chủ công nghệ cho đến kỳ tích tạo ra camera dưới màn chất lượng đầu tiên trên thế giới, song những thành tựu ấy cuối cùng chưa thể tạo ra bước đột phá thực sự trên thị trường smartphone Việt vốn dĩ đã quá bão hòa.
Vsmart không phải là thương hiệu điện thoại đầu tiên thành công bằng cách nhắm vào các phân khúc giá “mềm”. Xiaomi, OPPO và thậm chí là cả Samsung đều đã từng thành công theo cách này – họ lọt top thế giới bằng cách chạy theo thị phần khi Apple kiên quyết nói không với giá rẻ. Để có thể thành công theo cách của Xiaomi chẳng hạn, VinSmart sẽ phải hướng đến một hành trình rất dài và gian khó: tiếp tục gồng mình đối chọi với smartphone Trung Quốc trong nhiều năm rồi dần dần tìm cách mở rộng thương hiệu, tiến chân vào phân khúc cao cấp.
Live, Joy 3 và Live 4 cho thấy con đường này không phải là không thể. Nhưng VinGroup sẽ phải “đốt” bao nhiêu tiền cho đến khi tìm ra được đột phá thực sự trên thị trường smartphone?
Quan trọng hơn, liệu VinGroup có thể tiến hành một cuộc chiến trường kỳ để đua với những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới? Xiaomi cho đến tận khi IPO vẫn chịu lỗ 1 tỷ USD trong năm tài chính liền kề. Năm ngoái, VinGroup thu về lợi nhuận chưa đến 200 triệu USD mà thôi.
Nếu không muốn “nếm mật nằm gai” nhiều năm để chiếm vị trí, VinSmart chỉ còn một con đường khác để đi: đột phá, tạo ra “giá trị khác biệt”. Đây chính là con đường đã từng giúp Apple và Samsung lên đỉnh thế giới, lật đổ các ông chủ cũ của thế giới di động như Nokia, Motorola và Sony Ericsson. Vấn đề là ở chỗ, sau hơn một thập kỷ, còn có ai có thể tạo ra một cuộc cách mạng tương tự?
Chiếc smartphone của ngày hôm nay thực chất có thể coi là bản cải tiến của iPhone hay Galaxy S ngày trước. Đúng là các nhà sản xuất vẫn có thể chạm tay tới những cột mốc mới về tốc độ, kích cỡ hiển thị hay chất lượng camera, đúng là iPhone và Galaxy vẫn thành công, nhưng chẳng ai coi iPhone 12 hay Galaxy S21 là “cách mạng” cả. Trên phương diện sáng tạo, đôi khi vẫn có người dám tạo ra cái mới khác biệt hoàn toàn, nhưng kết quả thường là chết từ trong trứng nước hoặc những ảnh hưởng ở tầm… muối bỏ bể. Smartphone module, smartphone màn cong… chết trong vòng 1 năm. Ngay đến cả smartphone màn hình gập được tung hô rất nhiều nhưng doanh số và doanh thu chưa đạt đến 1 triệu máy – “muối bỏ bể” khi so với tổng doanh số 1,5 tỷ máy mỗi năm của toàn bộ thị trường.
Không còn khả năng đột phá cũng có nghĩa rằng những hãng smartphone đứng đầu thế giới trong vòng nửa thập kỷ qua chỉ còn duy nhất một con đường đề đi: bán hàng giá rẻ, cắn răng chịu lỗ cho đến khi nhích dần được lên các phân khúc giá cao hơn. Xiaomi, OPPO, Vivo, Huawei… đều đi theo con đường này. Họ không có cách nào để thực sự đột phá, để tạo ra những cú sốc lớn theo cái cách chiếc iPhone hay Galaxy Note đã khuynh đảo thị trường nhiều năm trước.
Rồi khi đã đốt tiền thành công, các ông lớn nhận lại được gì? Câu trả lời là lợi nhuận… rất thấp. Huawei sau khi buộc phải từ bỏ Honor (thương hiệu tầm trung/giá rẻ) bỗng dưng lại chứng kiến biên lợi nhuận… tăng. Xiaomi dù có một năm 2020 đầy rực rỡ nhờ Covid và nhờ lấp chỗ trống của Huawei nhưng lãi ròng mới chỉ đạt 2 tỷ USD, tức là ngang ngửa lãi… 1 tuần của Apple.
Trước khi đạt được lãi, Xiaomi đã trải qua bao nhiêu năm trời chịu lỗ. Khi Samsung bán smartphone chạy Snapdragon 800 với giá 600 USD còn Xiaomi bán smartphone chạy Snapdragon 800 với giá 300 USD, rõ ràng là Xiaomi phải “đốt tiền” để giành thị phần. Khi Vsmart Live được bán với giá 3,5 triệu đồng còn Redmi Note 7 Pro (cũng dùng chip Snapdragon 675 như Vsmart Live) được bán với giá 5,5 triệu đồng, rõ ràng là khoản tiền Vsmart phải “đốt” cũng nhiều hơn Xiaomi. VinSmart có nên chấp nhận lỗ như vậy, chỉ để mong chờ một tương lai với lợi nhuận biên đạt mức 5% như Xiaomi?
Thay vì tiếp tục dồn lực vào mảng smartphone, VinGroup có một lựa chọn khác: ô tô điện. Xe điện là xu hướng của cả thế giới khi tất cả các thương hiệu đều đã, đang hoặc sắp ra mắt các mẫu xe điện của riêng mình. Niềm tin của nhà đầu tư được thể hiện khi các thương hiệu xe điện non trẻ (mà đặc biệt là Tesla) đều có giá trị vốn hóa rất cao dù doanh số rất thấp. Quan trọng nhất, VinFast có cơ hội “làm nên chuyện” trong thị trường này, ví dụ như với mô hình “thuê pin” rất được lòng người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua.
Dù là tập đoàn lớn nhất Việt Nam, vốn đầu tư của VinGroup không phải là vô hạn. Từ bỏ một cuộc chiến khó khăn và dài hơi, không còn khả năng đột phá để chuyển sang một cuộc chiến cũng tốn kém nhưng nhiều cơ hội hơn là lựa chọn tất yếu. Xin tạm biệt Vsmart, và xin được chờ đợi những hệ thống infotainment thú vị hơn nữa trên VinFast trong tương lai không xa.