Những “xu hướng lớn” của thị trường bất động sản trong đại dịch COVID-19
Khi các nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi tình trạng bế tắc, các doanh nghiệp bắt đầu hành trình “tái nhập” và ngành bất động sản điều chỉnh về một “mức bình thường mới”.
BBT website giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương về những xu hướng lớn của thị trường bất động sản trong đại dịch COVID- 19 được đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Các quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều thay đổi đối với chính sách bất động sản để tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế.
Ở Mỹ, Chính phủ liên bang đã ban hành lệnh cấm kéo dài 120 ngày đối với việc cưỡng chế thu hồi nhà ở được liên bang trợ cấp hoặc thu hồi bất động sản có khoản vay thế chấp được liên bang bảo đảm. Một số bang của Hoa Kỳ đã tạm dừng xây dựng tất cả các dự án (trừ các cơ sở y tế cần thiết).
Ở châu Âu, một số quốc gia đã đình chỉ việc xây dựng. Các ngân hàng ở châu Âu được khuyến khích nới lỏng các khoản thanh toán trả góp bị chậm, trong khi các nhà bán lẻ được giảm thuế.
Tại Việt Nam, nhiều thể chế, chính sách về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã hoàn thiện, đồng bộ, liên thông với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh như Luật Xây dựng 2020. Tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng minh được những hiệu quả đáng kể.
Bất động sản vẫn là một loại tài sản hấp dẫn
Trung Quốc là thị trường đầu tiên chịu tác động lớn của COVID-19. Vào đỉnh điểm của sự bùng phát, COVID-19 đã gây bế tắc hầu hết các ngành công nghiệp của Trung Quốc. Bây giờ, nhiều ngành công nghiệp truyền thống đang dần trở lại bình thường. Đồng thời, những nhà đầu tư đang nắm bắt các cơ hội tăng trưởng mới nổi của thị trường bất động sản.
Tại Việt Nam, mặc dù đầu tư vào bất động sản đã dao động trong nhiều năm, qua nhiều đợt suy thoái khác nhau, nhưng theo xu hướng chung, các nhà đầu tư vẫn ưu tiên phân bổ nhiều hơn vào bất động sản. Hiện nay, bất động sản vẫn đang là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt, ít tương quan và chịu ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác.
Theo chuyên gia đánh giá, tăng trưởng nóng bất động sản có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư có hiện tượng đầu cơ lướt sóng trong thời gian qua. Đối phó với vấn đề này, các chính quyền địa phương đã triển khai hàng loạt các biện pháp kiềm chế “cơn sốt” bất động sản. Cụ thể mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 4/2020, mức độ quan tâm vẫn tăng 44% và lượng tin đăng vẫn tăng 63%. Điều này cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn sắp tới.
Những xu hướng bất động sản mới nổi
Hiện nay, cách con người đang sống và làm việc khác rất nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái – đó là những thay đổi sẽ trở thành một phần của “trạng thái bình thường mới”. Một số xu hướng mới nổi sau đây sẽ tác động đáng kể đến nhu cầu về bất động sản.
Một là nhu cầu không gian linh hoạt trong thời đại làm việc từ xa. Thị trường nhà văn phòng sẽ xuất hiện những thay đổi về mặt cấu trúc, về cách thiết kế và sử dụng không gian kết hợp với mật độ nhân viên thấp hơn và chế độ làm việc từ xa tùy chọn. Theo báo cáo của Savills, tới tháng 7/2020, khảo sát của Savills cho số lượng người làm việc tại các văn phòng chia sẻ chiếm đến 40%, với nhu cầu tăng gần gấp đôi kể từ giai đoạn thấp điểm trong tháng 4/2020.
Hai là mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt và bền vững. Các đơn vị đào tạo đang đẩy mạnh các khóa học trực tuyến, các nhà hàng cung cấp dịch vụ “ship” đồ ăn, nhiều thương hiệu mỹ phẩm chấp nhận livestream để chia sẻ các mẹo trang điểm và xu hướng thời trang…
Hầu hết các nhà bán lẻ đang suy nghĩ lại về hoạt động và chuỗi cung ứng của mình. Cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện các đơn đặt hàng và dịch vụ trực tuyến là một trong những yếu tố quan trọng lúc này.
Ba là thay đổi về sở thích du lịch. Một khi ngành công nghiệp này bắt đầu phục hồi, các mô hình du lịch dự kiến sẽ chuyển sang các điểm đến, khu nghỉ dưỡng có mật độ người thấp hơn, nơi khách du lịch có thể ở trong không gian mở và tránh các đám đông người chen chúc. Bên cạnh đó, các dịch vụ lưu trú khả năng phải đối mặt áp lực lớn hơn từ những thượng đế ngày càng khó tính về vấn đề vệ sinh và sức khỏe.
Bốn là, thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp khởi sắc. Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã triển khai hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng hơn 5 triệu m2 nhà ở xã hội. Sự thay đổi về luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc trung và thấp, với giá cả hợp lý.
Sau đại dịch COVID-19, tất cả những xu hướng lớn này vẫn có thể sẽ tiếp tục, nhưng với những điểm mới, trong “trạng thái mình thường mới”. Các xu hướng mới nổi dần hình thành ngay khi các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng bắt đầu thích nghi với môi trường sau đại dịch.
Tuy nhiên, những hậu quả của đại dịch vẫn đang còn những điều khó đoán định và có thể “gây bất ngờ” bất cứ lúc nào. Cẩn trọng, vẫn luôn là điều cần thiết trong thời đại xã hội biến chuyển từng ngày.
NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG – Chuyên gia trưởng Tổ chức giáo dục đào tạo PTI